Bế mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

11 tháng trước 102

Lễ hội diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố, tập trung vào 3 nội dung chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo, có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm.

Lễ hội còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội; thu hút sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ.

Chú thích ảnhPhó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã trao chứng nhận vinh danh các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội

Ban tổ chức cho biết, sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 có tới 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu. Cùng với đó, Lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 1.000 nhà sáng tạo nội dung; hơn 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội.

Đồng hành với Lễ hội là 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia hội thảo, tọa đàm.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu di sản. Số lượng du khách đăng ký trải nghiệm chuyến tàu còn rất đông, tuy nhiên do thời gian có hạn, nên chưa đáp ứng hết yêu cầu của du khách.

Lễ hội còn hấp dẫn nhiều tổ chức, cá nhân khác đến tham gia các hoạt động sáng tạo. Điển hình như khóa nghệ thuật trực tiếp dành cho trẻ đặc biệt “Khám phá dòng chảy”; chương trình nghệ thuật cồng chiêng “Ngẫu hứng đại ngàn” do các nghệ nhân Bahnar và Jrai (tỉnh Gia Lai) trình diễn...

Chú thích ảnhCác đơn vị, tổ chức, cá nhân được vinh danh tại lễ bế mạc.

Sau 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có quy mô lớn nhất, với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm. Lễ hội tập trung vào chủ đề chính “Dòng chảy” nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã vinh danh các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho sự thành công của lễ hội.

Nguồn bài viết