Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tuần này, ông Thân Tiến Khoa (Shen Jin Ke), người phát ngôn của không quân Trung Quốc, tuyên bố với việc đưa vào sử dụng các loại máy bay quân sự tiên tiến như máy bay tiêm kích tàng hình J-20 và máy bay vận tải Y-20, không quân Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng để trở thành "không quân chiến lược".
Tuy nhiên, ngày 3-9, báo South China Morning Post cho biết giới chuyên gia không đồng ý với việc quân đội Trung Quốc đánh giá họ đã sở hữu lực lượng không quân chiến lược. Để được xem là "chiến lược" cần đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau.
Ông Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quốc phòng trên tạp chí quân sự Jane's, cho biết Trung Quốc vẫn còn thiếu nhiều năng lực cốt lõi so với các cường quốc, gồm đối thủ chính của Trung Quốc là Mỹ.
"Trở thành nước có lực lượng không quân chiến lược sẽ cho phép một quốc gia đạt được các kết quả chính trị cụ thể nào đó thông qua việc triển khai đội máy bay của họ.
Để đạt được kết quả như vậy, không quân phải có khả năng thực hiện toàn bộ các hoạt động trong chiến tranh hiện đại, gồm các hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay", ông Ridzwan Rahmat giải thích.
Nhà phân tích quốc phòng Ridzwan Rahmat đánh giá: "Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn còn thiếu. Đơn giản là Trung Quốc không có khả năng tiến hành các cuộc tấn công từ tàu sân bay, dù họ sở hữu hai tàu sân bay trong hạm đội.
Có lẽ trong mối quan hệ với các nước nhỏ hơn, chẳng hạn các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc mới có thể được coi là 'chiến lược'".
Máy bay tiêm kích tàng hình J-20 của quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập - Ảnh: CCTV
Ông Chu Thần Minh (Zhou Chen Ming), chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, có quan điểm tương tự chuyên gia trên. Ông nhận định không quân Trung Quốc không thật sự "chiến lược" vì họ thiếu các máy bay vận tải và máy bay ném bom có khả năng phục vụ các cuộc tấn công ở khoảng cách xa.
"Mỹ có máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 để tấn công các mục tiêu ở những nơi xa xôi. Nga có máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160. So với họ, Trung Quốc thiếu các năng lực tấn công tầm xa và điều này cản trở mục tiêu trở nên 'chiến lược' của không quân Trung Quốc", ông Chu giải thích.
Ngoài ra, Trung Quốc không có các máy bay vận tải có khả năng vận chuyển khắp thế giới, còn Mỹ lại có các loại máy bay vận tải khác nhau như C-17 hay C-4130. Ông Chu mô tả vận tải cơ và máy bay ném bom là hai yếu tố cốt lõi cho thấy lực lượng không quân có phải là "chiến lược" hay không.
Ông Tống Trung Bình (Song Zhong Ping) - một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong - có chung quan điểm. Ông đánh giá không quân Trung Quốc có khả năng thực hiện các hoạt động tầm ngắn hơn, thay vì các hoạt động tầm xa.