Bởi các đại lý bán lẻ xăng dầu phải mua hàng bằng với giá bán lẻ do Nhà nước quy định, trong khi phải chịu phí vận chuyển, chi phí thuê mặt bằng, nhân công… nên càng bán càng bị thua lỗ.
Điều đáng nói là cây xăng chỉ được mua hàng của một doanh nghiệp đầu mối. Do vậy, dù bên bán áp đặt chiết khấu rất thấp, thậm chí không chiết khấu, nhà bán lẻ vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", lấy hàng và chịu lỗ.
Nếu không mua, cơ quan chức năng kiểm tra thì phía cây xăng sẽ bị phạt, thậm chí tước giấy phép. Với doanh nghiệp đầu mối và phân phối, hóa đơn bán hàng luôn luôn "sạch sẽ" bởi đúng giá bán lẻ Nhà nước quy định, còn vận chuyển là "tự thỏa thuận".
Với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, lợi nhuận duy nhất chính là tiền lời trên mỗi lít xăng dầu. Do vậy, với mức chiết khấu âm, các đại lý càng bán nhiều càng thua lỗ lớn.
Đây cũng là lý do mà các đại lý xăng dầu tìm mọi cách để đóng cửa ngày nào hay ngày nấy với đủ mọi lý do như đi đám giỗ, sửa hàng rào, không có người quản lý, sửa chữa…, thậm chí có doanh nghiệp nói thẳng lý do phải ngừng hoạt động là hoa hồng thấp và hết vốn kinh doanh.
Vì sao có tình trạng này? doanh nghiệp đầu mối thừa nhận do gánh lỗ lớn nên phải "thêm bớt" chi phí vận chuyển cho cây xăng để cắt lỗ. Ngay cả chiết khấu 200 - 300 đồng/lít thì cây xăng cũng lỗ, đằng này chiết khấu âm lại càng nặng nề hơn.
Tuy nhiên, các đầu mối cũng phải "lách luật" đưa chiết khấu âm vì không còn cách nào khác bù lỗ. Bởi các chi phí kinh doanh, phụ phí nhập khẩu chưa được tính sát với thị trường trong khi giá xăng dầu liên tục lao dốc khiến doanh nghiệp nhập khẩu vừa nhập về đã bị lỗ.
Những bất cập của thị trường xăng dầu đã lộ diện, thậm chí có nguy cơ gây bất ổn, khi ngày càng nhiều cây xăng muốn đóng cửa. Ở góc độ điều hành, các cơ quan quản lý nhà nước phải ra tay tháo gỡ, thậm chí chấn chỉnh những doanh nghiệp cố tình "lách luật", chèn ép các cây xăng.
Ngược lại, Nhà nước cần xem lại các quy định về chi phí kinh doanh định mức (1.050 - 1.250 đồng/lít xăng) để tách bạch khâu nào được hưởng bao nhiêu phần trăm.
Như chủ tịch Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) Nguyễn Thị Bích Hường nói với Tuổi Trẻ, phải xác định rõ doanh nghiệp đầu mối, phân phối và nhà bán lẻ được ăn chia như thế nào, khi chưa rạch ròi sẽ khiến cây xăng cảm giác mình bị gánh lỗ oan. Hơn nữa, những chi phí kinh doanh, vận chuyển để tính giá bán lẻ cần sớm được tính toán sát thực tế để giúp doanh nghiệp đầu mối bớt áp lực.
Rõ ràng, được mua xăng với giá thấp là đáng mừng, nhưng để cây xăng bán lỗ triền miên lại là điều bất thường trong điều hành. Đừng để giọt nước tràn ly khiến cây xăng kiệt quệ phải đóng cửa, khi đó cả cây xăng lẫn người dân đều chịu thiệt.