Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại chợ Bảo Ninh, từ khuôn viên chợ, đình chợ và các công trình phụ trợ đang trong tình trạng bỏ hoang, hư hỏng và ngày càng xuống cấp trầm trọng. Tất cả chân hệ thống cửa sắt bắt đầu hoen gỉ; khuôn viên bên ngoài chợ rêu mốc, cỏ mọc. Các kính cửa sổ, cửa phòng của đình chợ và nhà vệ sinh đều đã bị vỡ hoàn toàn.
Chợ Bảo Ninh được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2014 với tổng mức đầu tư là hơn 5,7 tỷ đồng. Đây là công trình được xây dựng theo Chương trình trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời điểm ban đầu khi mới đưa vào sử dụng, khai thác có khoảng hơn 30 hộ kinh doanh buôn bán tại chợ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các hộ kinh doanh tại chợ Bảo Ninh đã đồng loạt bỏ ra ngoài buôn bán tại các chợ cóc hai bên đường Nguyễn Thị Định, cách chợ Bảo Ninh khoảng 100m.
Chị Hồ Thị Thu (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) chia sẻ, cách đây 2 - 3 năm đã cùng nhiều tiểu thương khác vào bán hàng tại chợ Bảo Ninh. Tuy nhiên, do chợ trái đường, không có khách tới mua nên chị nghỉ bán ở chợ và ra ngoài này bán. Việc chợ bỏ hoang, người dân cũng thấy lãng phí, người dân buôn bán dọc hai bên đường cũng vất vả khi nắng, mưa, song vào trong chợ buôn bán thì lại không có khách.
Hiện tại, dọc hai bên đường Nguyễn Thị Định, một trong những tuyến giao thông chính ở xã Bảo Ninh, lưu lượng người và phương tiện qua lại đông, mặt đường khá hẹp. Thế nhưng, đây lại trở thành địa điểm mua bán của nhiều tiểu thương trên địa bàn. Thực trạng này đang gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động các tiểu thương vào chợ để hoạt động. Tuy nhiên, sau mỗi lần tuyên truyền vận động một thời gian, chợ lại tiếp tục không hoạt động. Thời gian tới, UBND xã Bảo Ninh sẽ kiến nghị với Đảng ủy, xin chủ trương thành phố Đồng Hới, để chuyển đổi mục đích sử dụng, tránh lãng phí công trình này.
Tỉnh Quảng Bình, hiện có tổng số 141 chợ đang hoạt động; trong đó có 119 chợ nông thôn. Hiện có nhiều chợ nông thôn hoạt động không hiệu quả, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật của các chợ đã xuống cấp. Bên cạnh đó, sự xuất hiện những mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích và các kênh thương mại điện tử (Shopee; Lazada,…) đang dần chiếm ưu thế. Điều này đã ít nhiều tác động đến sự tồn tại và phát triển các chợ truyền thống.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất có các cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng công trình chợ Bảo Ninh. Đồng thời, chỉ đạo các Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ phải thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của chợ, tránh tình trạng bỏ hoang các công trình tiền tỷ như chợ Bảo Ninh hiện nay.
Từ thực trạng bỏ hoang chợ Bảo Ninh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cần xem xét lại chủ trương đầu tư chợ ở nông thôn, đặc biệt là công năng sử dụng phải phù hợp với từng vùng, từng khu dân cư. Các địa phương cần tránh tình trạng chạy theo dự án, phong trào, để rồi gây lãng phí tiền của Nhà nước, khi chợ mới xây dựng xong, tiểu thương lại không ai vào bán ở chợ.