Bảy kiến nghị 'gan ruột' của phó tổng giám đốc Esuhai để đưa người lao động đi nước ngoài hiệu quả

2 năm trước 156
Bảy kiến nghị gan ruột của phó tổng giám đốc Esuhai để đưa người lao động đi nước ngoài hiệu quả - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: HÀ QUÂN

Việt Nam cần lưu tâm nâng cao tỉ lệ lao động có trình độ, kỹ sư đi nước ngoài song song gắn chương trình thanh niên khởi nghiệp với chương trình thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ sinh viên khó khăn vay vốn...

Đó là một trong bảy kiến nghị nổi bật được ông Nguyễn Xuân Lanh, phó tổng giám đốc Công ty Esuhai (đơn vị đã đưa hàng nghìn lượt lao động đi nước ngoài), nêu ra tại Hội thảo khoa học lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - thực trạng và giải pháp do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức ngày 16-8.

'Đi để học nghề, về để làm chủ'

Bảy kiến nghị để việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả hơn thời gian tới, gồm:

Một là, Nhà nước cần có lộ trình tăng tỉ lệ người lao động có trình độ, được đào tạo, chuyên gia từ 10-30%.

Hai là, có chính sách ưu tiên và định hướng đầu tư ngành nghề mũi nhọn như kỹ thuật cao, nông nghiệp sạch, điện - điện tử, tự động hóa... thông qua phân luồng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ phải được tham gia chương trình nâng cao ngoại ngữ, tiếp cận kỹ thuật quốc tế...

Ba là, Nhà nước cần xem xét chương trình thanh niên khởi nghiệp gắn với chương trình thanh niên đi làm việc ở nước ngoài với tâm thế "đi để học nghề, về để làm chủ". Chẳng hạn, Bến Tre đưa thanh niên sang nước ngoài học hỏi công nghệ, tích lũy vốn, về nước khởi nghiệp.

Bảy kiến nghị gan ruột của phó tổng giám đốc Esuhai để đưa người lao động đi nước ngoài hiệu quả - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, phó tổng giám đốc Công ty Esuhai - Ảnh: HÀ QUÂN

Bốn là, báo chí đi đầu trong tuyên truyền, định hướng chương trình và tư vấn chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài trong trong bối cảnh mới.

Năm là, Nhà nước xem xét Quỹ quốc gia đưa người lao động, chuyên gia đi nước ngoài trong giai đoạn tới. Quỹ này cho vay vốn để đóng phí dịch vụ phái cử; hỗ trợ đào tạo kỹ năng tay nghề...

Sáu là, có chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phụ thuộc vào gia đình.

Bảy là, chính sách giải quyết việc làm theo mô hình khép kín từ khi đào tạo trước khi xuất cảnh đến lúc về nước, kèm đãi ngộ thu hút lao động trở về.

Đưa 1 triệu lao động đi nước ngoài trong giai đoạn 2013-2021

Bảy kiến nghị gan ruột của phó tổng giám đốc Esuhai để đưa người lao động đi nước ngoài hiệu quả - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết từ năm 2014, mỗi năm có hơn 100.000 người lao động đi nước ngoài - Ảnh: HÀ QUÂN

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Bá Hoan, Việt Nam đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là hướng hội nhập để tận dụng cơ hội quốc tế nhằm giảm tỉ lệ thất nghiệp, giảm nghèo, nâng cao kỹ năng, tay nghề. 

Bên cạnh thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, nhiều thị trường mới được mở ra như Úc, New Zealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia, Romania.

"Trong giai đoạn 2013-2021, gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước và đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc và trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội. Khi về nước, những người này còn trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Ingrid Christensen - giám đốc ILO tại Việt Nam - cho hay kiều hối từ lao động di cư đem lại cho nền kinh tế Việt Nam từ 2-3 tỉ USD kèm lợi ích vô giá từ chuyển giao kỹ năng việc làm.

Tuy vậy, gánh nặng chi phí để đi làm việc ở nước ngoài (khoảng 165 triệu đồng, tương đương 8 tháng lương ở nước ngoài) vô hình trung tạo gánh nặng cho người lao động. Không những vậy, nhiều người còn gặp rào cản ngôn ngữ, việc làm không bền vững…

Các chuyên gia của ILO khuyến nghị Việt Nam nâng cao trách nhiệm của Chính phủ trong giảm chi phí như visa, khám sức khỏe, đơn giản hóa thủ tục; công đoàn hoặc tổ chức chính trị - xã hội tiếp nhận khiếu nại, mong muốn giúp đỡ của lao động nước sở tại. Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu vấn đề phúc lợi như bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí cho lao động di cư, nâng cao lương tối thiểu…

 Lương tháng nghìn đô, hỗ trợ khởi nghiệpĐi lao động tại Nhật và Hàn: Lương tháng nghìn đô, hỗ trợ khởi nghiệp

TTO - Sau dịch COVID-19, thông tin thị trường lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc với thu nhập trên nghìn USD mỗi tháng hiện đang được nhiều lao động trẻ quan tâm.

Nguồn bài viết