Bảo vệ nhóm người nguy cơ cao; Hà Nội dẫn đầu ca mắc trên cả nước

2 năm trước 228

Bệnh nhân nhiễm Omicron đầu tiên tại Việt Nam đã được ra viện

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngày 2/1 cho biết: Sau khi được phát hiện, cách ly, giám sát chặt chẽ và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện.

Cụ thể, sau 2 tuần theo dõi sức khỏe, bệnh nhân K.V.H.M không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường và được xét nghiệm âm tính lần cuối ngày 1/1/2022. Ngày 2/1/2022, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hành khách K.V.H.M trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi đến sân bay Nội Bài người này có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, người này được xét nghiệm PCR khẳng định có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, bằng công nghệ hiện đại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành giải trình tự gene khẳng định bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân được cách ly tại khu cách ly riêng biệt của Bệnh viện và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt, đảm bảo không lây nhiễm cho cộng đồng, an toàn cho công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện.

Sau khi bệnh nhân ra viện, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục phối hợp với gia đình theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại gia đình, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đồng thời, Bệnh viện khuyến cáo người dân nên tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, thực hiện “5K + tiêm vaccine”, đặc biệt lưu ý đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh lý nền…

Việt Nam có 16.948 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 16 giờ ngày 1/1 đến 16 giờ ngày 2/1, Việt Nam ghi nhận 16.948 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội vượt mốc 2.000 ca bệnh/ngày.

Chú thích ảnhY, bác sĩ phải theo sát diễn biến của các bệnh nhân từng phút, từng giờ.

Trong số các ca nhiễm mới, có 34 ca nhập cảnh và 16.914 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.948 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (tăng 1.688 ca), Hải Dương (tăng 545 ca), Hà Nội (tăng 297 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.479 ca/ngày.

Từ 17 giờ 30 ngày 1/1 đến 17 giờ 30 ngày 2/1, cả nước ghi nhận 221 ca tử vong tại:

Tại TP Hồ Chí Minh có 30 ca; trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Vĩnh Long (1), Cần Thơ (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Đồng Nai (41 ca trong 2 ngày), An Giang (17), Vĩnh Long (16), Đồng Tháp (15), Cần Thơ (15), Tiền Giang (11), Hậu Giang (9), Tây Ninh (8 ), Hà Nội (8 ), Sóc Trăng (7), Bình Dương (7), Kiên Giang (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Khánh Hoà (5), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Cà Mau (3), Nam Định (2), Trà Vinh (2), Nghệ An (1), Đắk Lắk (1), Hà Giang (1), Gia Lai (1), Long An (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 224 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.831 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Ngày 2/1, Hà Nội vượt mốc 2.000 ca nhiễm SARS-CoV-2

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 1/1/2022 đến 18 giờ ngày 2/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.045 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 555 ca tại cộng đồng; 1.462 ca trong khu cách ly; 28 ca tại khu phong tỏa.

Chú thích ảnhLực lượng y, bác sĩ ngày đêm túc trực điều trị bệnh nhân nặng.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (232); Thanh Xuân (227); Thanh Trì (225); Gia Lâm (163); Hoàn Kiếm (148); Ba Đình (147); Hoàng Mai (132).

Các ca nhiễm mới phân bố tại 326 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 555 ca cộng đồng ghi nhận tại 191 xã phường thuộc 29/30 quận huyện.

Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Gia Lâm (78); Hoàng Mai (65); Thanh Trì (64); Đông Anh (36); Long Biên (35); Sóc Sơn (33).

Bảo vệ nhóm người nguy cơ cao; hạn chế số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng

Trong tuần qua, Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được tăng cường, trong đó, tập trung vào việc bảo vệ, quản lý nhóm người nguy cơ cao; giảm số bệnh nhân nặng và tử vong.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã ký Công điện 1815/CĐ-TTg ngày 26/12 về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.

Tại hội thảo khoa học "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do COVID-19" do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ: Việc giám sát vùng nguy cơ cao để đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc là rất cần thiết, từ đó cách ly, điều trị và có giải pháp xử trí phù hợp, góp phần hạn chế trường hợp tử vong. Các cơ sở điều trị cũng như hệ thống theo dõi sức khoẻ người bệnh ban đầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến điều trị, tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, việc quan trọng là phải kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, kèm theo đó là đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của hệ thống khám chữa bệnh. Vì thế, toàn hệ thống điều trị cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; cung ứng, bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân.

Cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch

Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành đã cho phép việc thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó bao gồm việc điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19; việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết đối với các quy định về trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19; chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị mắc COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế...

Ngay sau nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021, cho phép thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chỉ thị nêu rõ, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống xã hội đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều trẻ em mồ côi, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa, thiếu sự chăm sóc của cha, mẹ, gia đình ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của trẻ em.

Để khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài của dịch COVID-19 đến trẻ em với quan điểm bảo vệ tốt nhất, hạn chế tối đa những tác động xấu đến trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các chính sách giải pháp, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mô côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói riêng bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chú trọng việc trẻ em được chăm sóc bởi người thân thích; nghiên cứu, xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với trẻ em như chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em; củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường truyền thông để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị.

Đẩy mạnh thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo việc điều trị và chăm sóc trẻ em bị mắc COVID-19 và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng đào tạo, giáo dục; hướng dẫn gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm an toàn, hiệu quả khi học trực tuyến; bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện thể chất và tinh thần để bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và gia đình trong dịch COVID-19.

Tiến hành các thủ tục để mua vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9629/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Công văn nêu rõ, để tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm về số lượng vaccine và tiến độ tiêm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Công văn 9656/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội để thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vaccine Pfizer được gia hạn. Đồng thời, báo cáo cụ thể vaccine tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong quý I/2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Nguồn bài viết