NFT ngày càng “mất thiện cảm” với giới nghệ sĩ, khi các tác phẩm vi phạm bản quyền nhởn nhơ thu lợi bất chính ECONOTIMES LAW |
Aja Trier là một họa sĩ sống tại San Antonio (Texas, Mỹ). Cô vốn đã quen với việc các tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền và xuất hiện trên loạt áo phông, ốp lưng điện thoại, một vài nơi khác dù chưa được cô cho phép.
Thế nhưng, đến ngày 4.1.2022, Trier kiểm tra email và bất ngờ nhận hàng loạt cảnh báo rằng các bức tranh phong cảnh nổi tiếng theo phong cách Vincent Van Gogh của cô đã bị bán trên nền tảng OpenSea với gần 86.000 tác phẩm NFT với giá 0,003 ETH (khoảng 10 USD)/mỗi tác phẩm.
Aja Trier bức xúc khi các tác phẩm của cô bị “nhái” tận 86.000 lần dưới dạng NFT trên OpenSea CHỤP MÀN HÌNH |
“Tôi đã biết chuyện các nghệ sĩ khác bị đạo nhái tác phẩm dưới dạng NFT, nhưng đánh cắp quy mô lớn như trường hợp của tôi thì quả là điều không ngờ. Tôi đã chia sẻ với nhiều nghệ sĩ khác và họ cũng nói với tôi như vậy”, Trier chia sẻ với The Verge.
Không chỉ riêng Trier, nhiều nghệ sĩ khác cũng ngao ngán và bất lực trước nạn đánh cắp tác phẩm và bị bán dưới dạng NFT kể từ khi loại hình nghệ thuật số này bùng nổ trong năm 2021. Các chuyên gia ước tính, những kẻ trộm cắp kiếm được hàng tỉ USD từ thứ không phải của mình.
Đại diện của NFT Theft, cộng đồng những người sáng tạo bị trộm tác phẩm và bán dưới dạng NFT, cho biết các nền tảng như OpenSea cho phép tạo ra NFT bằng Lazy Minting, giúp liệt kê NFT đăng bán không cần ghi nhận trên blockchain. Ngoài ra, cơ chế nhận hoa hồng của các sàn là chỉ thu phí người bán sau khi tác phẩm NFT được mua. Kết hợp với hệ thống kiểm tra nhanh kém hiệu quả của OpenSea, người này quan ngại rằng nạn đánh cắp tác phẩm nghệ thuật và rao bán dưới dạng NFT vẫn kéo dài, OpenSea sẽ tiếp tục là nơi những kẻ xấu náu mình, rao bán các tác phẩm bất hợp pháp.
Trên thực tế, đã có những phần mềm chuyên dụng nhằm truy quét các tác phẩm NFT vi phạm bản quyền trên các nền tảng mua bán phổ biến, đơn cử là ứng dụng Protect của DeviantArt. Tuy nhiên, cái khó ở đây là khâu khiếu nại, xử lý lại không hề dễ dàng.
Trier đã từng gửi thư khiếu nại lên OpenSea, yêu cầu gỡ các tác phẩm đạo nhái theo Đạo luật bản quyền kỹ thuật số (DMCA). Đáp lại, nền tảng này yêu cầu Trier chứng minh quyền sở hữu với từng tác phẩm NFT. Như đã đề cập ở trên, các tác phẩm của Trier bị phân tách đến gần 86.000 NFT và cô ấy đã quyết định ngưng khiếu nại.
"OpenSea đang ngụy tạo mọi sự bảo vệ tác giả trên nền tảng của họ", Trier bày tỏ sự thất vọng khi OpenSea không thể bảo vệ các tác giả thật sự.
Theo NFT Theft, chỉ có một số ít may mắn được xử lý khiếu nại ổn thỏa. Đa số các đơn khiếu nại thường phải đợi rất lâu, chứng minh rất mất thời gian hoặc thậm chí là bị bác bỏ.
Mặc dù chính sách của OpenSea không cho phép bán các sản phẩm NFT đạo nhái và chế tài xử phạt cao nhất là xóa tài khoản, đại diện của nền tảng này thừa nhận hơn một nửa các mục tạo bằng công cụ miễn phí có trên nền tảng của họ là các NFT đạo nhái, ăn cắp hoặc là NFT rác.
Một nền tảng giao dịch lớn khác là Rarible cho biết họ đã sử dụng hệ thống xác minh do con người kiểm duyệt. Họ khẳng định là đã giảm tới 90% vấn nạn bán tác phẩm đạo nhái, ăn cắp kể từ đầu năm 2021. Thế nhưng, nỗ lực của nền tảng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề.
Cần xử lý triệt để bằng pháp lý
Thời đại số đã đến, metaverse, NFT và nhiều loại hình dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Những tranh chấp, bê bối về tính pháp lý của các tác phẩm NFT trong thời điểm hiện tại được cho là thử thách ban đầu của thời đại số này.
Nhận định bởi chuyên gia Mert Hilmi Iseri, đến từ Math Venture Partners, cần phải có sự kiểm soát mạnh mẽ, hệ thống ở quy mô blockchain để xác minh cặn kẽ nguồn gốc, tính hợp pháp của tác phẩm, tác giả cũng như đặt ra nhiều chế tài mạnh mẽ với những kẻ xấu.