Vận động kết hợp âm nhạc cũng là cách hiệu quả giúp bạn thư giãn và duy trì năng lượng tích cực cho cơ thể - Ảnh: Q.L.
Cần làm gì để giữ sức khỏe hiệu quả, cân bằng giữa học hành, công việc lẫn giải trí có lẽ là băn khoăn chung của nhiều bạn trẻ lúc này.
Làm việc không ngừng nghỉ dễ gây áp lực cho hệ thần kinh và cơ thể, có thể gây quá tải, suy kiệt dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ ung thư và rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hoảng loạn.
Bác sĩ NGUYỄN TRUNG NGHĨA
"Trẻ mà, thức đến sáng không sao!"
Mấy tháng gần đây, đêm nào Vũ Thế Phong - sinh viên năm 2 - cũng thường xuyên thức đến 2h - 3h sáng. Theo lời Phong, có nhiều sự kiện ca nhạc miễn phí hoặc giá rẻ trong tháng 12 nên nhóm bạn thường rủ nhau đi coi chung, rồi sau đó đi ăn uống, tám chuyện.
"Đang thời điểm thi học kỳ, về nhà không học bài thì thấy lo nên tôi tranh thủ thức khuya đọc tài liệu dù thiệt lòng không hiệu quả mấy. Trẻ mà, thức đến sáng cũng không sao", Phong nói.
Thanh Vi (21 tuổi, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết rơi vào tình trạng luôn mệt mỏi. Vừa tham gia nhiều hoạt động cộng đồng ở trường lẫn bên ngoài, vừa làm thêm, rồi đi chơi cùng bạn bè...
Vi cảm giác cơ thể kiệt sức, lại đang giai đoạn thi cử nên bạn càng thấy áp lực. Chưa kể Vi có thói quen thức khuya học bài chứ không quen dậy sớm.
Đó không còn là câu chuyện xa lạ mà đang rất phổ biến của giới trẻ. Nhiều bạn cho rằng còn trẻ mà, sung sức nên không cần phải lo lắng quá nhiều về sức khỏe. Không ít bạn thức đêm sau một ngày đi học, làm thêm chỉ để lướt mạng, chơi game...
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa tâm lý tâm thần) nói việc thức khuya, dậy sớm để học nằm ở yếu tố phù hợp chứ không có đúng sai. Có người gene quy định làm "cú đêm" nhưng cũng có người là "gà sớm" nhưng dù thế nào cũng nên đảm bảo ngủ đủ giấc từ 6 - 9 tiếng mỗi ngày.
Theo bác sĩ Nghĩa, nếu buổi tối khó ngủ đủ giấc, hãy hỗ trợ thêm bằng chợp mắt vào buổi trưa nhưng không nên ngủ trưa hơn 45 phút vì thức dậy sẽ mệt mỏi hơn.
"Các bạn trẻ không nên "bào sức" bằng việc hoạt động (cả thể chất lẫn tinh thần) liên tục mà cần tập thói quen nghỉ ngơi giữa chừng (tầm 3 - 5 phút mỗi giờ) trong khi hoạt động" - bác sĩ Nghĩa nói.
"Giải pháp" không ở đâu xa
Theo chuyên gia y tế, một số điều các bạn trẻ có thể tự làm để giúp thư giãn đầu óc lẫn cơ thể, trong đó có thể kể đến phương pháp quản lý thời gian Pomodoro (tạm hiểu là nghỉ 5 phút sau mỗi 25 phút tập trung làm việc).
Khoảng thời gian nghỉ ngắn đó, tuyệt đối không ngồi tại chỗ hay dán mắt vào màn hình điện tử vì như thế càng khiến mình căng thẳng hơn.
Thay vào đó, chúng ta có thể nhìn xa để mắt thư giãn, đi dạo hoặc hít thở sâu, trò chuyện cùng bạn bè, rửa mặt và tay với nước lạnh, nhún nhảy theo nhạc... để đầu óc, cơ thể thoải mái.
"Một số bài tập giãn cơ nhanh, massage mắt chúng ta có thể tìm thấy trên YouTube và làm theo, lưu ý phải chọn đúng nguồn đáng tin cậy", BS Nghĩa mách nước.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Đình Minh Huy (giảng viên bộ môn mắt, ĐH Y Dược TP.HCM) nói cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đôi mắt của chúng ta hiện "dính liền" với các thiết bị điện tử bất kể ngày đêm, mà chỉ với điều này thôi đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị giác.
Để bảo vệ mắt hiệu quả khi phải điều tiết quá nhiều cho công nghệ, các hoạt động khác liên tục, anh cho rằng nên dành 15 phút mỗi ngày (có thể lặp lại hai, ba lần/ngày) cho những bài tập đơn giản giúp mắt thư giãn, cải thiện tình trạng mờ, mỏi mắt cũng như khô mắt, giúp thị giác duy trì ổn định liên tục trong ngày.
Bác sĩ Huy gợi ý "quy tắc 20-20-20". Sau 20 phút làm việc hãy nhìn xa chừng 20 feet (tương đương 6m) trong 20 giây kết hợp với tăng số lần chớp mắt trong hai phút (ngồi thư giãn, chớp mắt nhẹ và liên tục trong hai phút).
Tiếp đó, hãy chà nhanh hai lòng bàn tay với nhau để tạo nhiệt độ ấm lên rồi nhắm mắt lại và áp sát hai lòng bàn tay lên mắt, giữ nguyên như vậy 5 - 10 giây.
"Bạn cũng có thể ngửa đầu nhẹ ra sau và nhắm mắt lại để tinh thần thư giãn trong 1 - 2 phút, rồi từ từ mở mắt ra và lặp lại vài lần nếu mắt còn mỏi mệt" - bác sĩ Huy hướng dẫn.
Cùng với các bài tập đơn giản giúp đầu óc và mắt thư giãn, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, lời khuyên của các bác sĩ chính là phải dành thời gian tập thể dục đều đặn bởi sức khỏe thể chất và tinh thần quan hệ mật thiết với nhau.
Có vậy mới giúp mỗi người luôn trong trạng thái làm việc hiệu quả, tràn đầy sức sống.