Bạn trẻ khắp nơi chuẩn bị sống 'bình thường mới'

3 năm trước 244
Bạn trẻ khắp nơi chuẩn bị sống bình thường mới - Ảnh 1.

Các du học sinh Việt tại châu Âu đang du lịch bụi tại Ý vào tháng 8-2021 trong trạng thái "bình thường mới" - Ảnh: BÁ DƯƠNG

Đón những ngày mới, mỗi người chuẩn bị một tâm thế mới.

Sẽ cân nhắc khi đến quán cà phê

Đếm từng giờ đến ngày 15-9, bạn Hữu Hoàng (28 tuổi, quận Phú Nhuận) cho biết bản thân đã tiêm một mũi vắc xin nên khấp khởi hy vọng nằm trong diện được cấp "thẻ xanh vắc xin".

"Tôi thật sự nhớ cái cảm giác được chạy xe ngoài đường phố nhộn nhịp Sài Gòn, được ăn tại quán hay ngồi cà phê tám chuyện, được choàng vai bá cổ mấy đứa bạn thân...

Dĩ nhiên những điều này sắp tới sẽ vẫn còn rất "xa xỉ" nhưng ít ra tôi sẽ được ăn, uống những món mà mình đã "nhịn" bao tháng nay như cơm tấm, bún bò qua đặt hàng online", Hữu Hoàng tiết lộ sau chuỗi tháng ngày làm việc tại nhà và khổ sở vì khả năng nấu nướng có giới hạn.

Khi được hỏi những vật "bất ly thân" sau này, bạn khẳng định đó sẽ là chai nước rửa tay và khẩu trang, kính chống giọt bắn. Bạn cho rằng đó là điều bắt buộc trong cuộc sống "bình thường mới" để bảo vệ bản thân lẫn người quen.

Tương tự Hữu Hoàng, bạn Ngọc Mỹ (21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết bạn rất háo hức với việc được gặp lại đồng nghiệp, bạn bè sau thời gian dài quanh quẩn trong nhà.

"Tôi hy vọng được đi làm thêm lại vì tiền để dành đã cạn, chi phí sinh hoạt thời gian qua tăng cao. Tôi đọc báo thì thấy một số quốc gia như Singapore, Malaysia... cho những người tiêm hai mũi vắc xin được phép đi cà phê, nhà hàng nhưng tôi nghĩ bản thân mình sẽ tự hạn chế những hoạt động này, đợi đến đầu năm sau cho an toàn lẫn tiết kiệm tiền", Ngọc Mỹ chia sẻ.

Điều bạn buồn nhất là thời gian tới sẽ không còn cơ hội tham gia các hoạt động Đoàn, Hội vì ai cũng bị ám ảnh bởi đại dịch và những biến thể của chúng. Sắp tốt nghiệp, Ngọc Mỹ và nhiều bạn bè cùng lứa cũng lo lắng vì không biết các hoạt động tuyển dụng nhân sự sắp tới sẽ diễn ra như thế nào...

Một số bạn nữ tiết lộ "bí mật" cười ra nước mắt là khoản chi phí dành cho mỹ phẩm thời gian qua đã giảm đi đáng kể. "Toàn bộ giao tiếp với bạn trai thông qua online nên nước hoa, son môi, phấn hồng... mấy tháng rồi đâu có dịp nào để dùng.

Tôi nghĩ cũng phải nửa năm nữa mới mua mới vì những tháng tới mọi người bất kể nam nữ chắc chắn đều đeo khẩu trang bất kể ở đâu ngoài nhà" - Ngọc An, một nhân viên ngân hàng, khẳng định.

Gấp rút tìm cách "detox" (giải độc) công nghệ!

Tình hình trong nước là thế, còn ở nước ngoài thì các bạn trẻ có những suy nghĩ, trăn trở gì khi trở về cuộc sống "bình thường mới"?

Sau thời gian dài gắn chặt mình vào các thiết bị công nghệ do đây là lựa chọn hiếm hoi cho hoạt động giải trí giai đoạn giãn cách xã hội, bạn Jonathan (25 tuổi, Hoa Kỳ) cho biết bản thân đã rất chật vật để có thể giảm thời gian dùng điện thoại, laptop. Điều thoạt trông có vẻ đơn giản nhưng thực tế vô cùng thử thách.

Một khảo sát trên 3,1 triệu lao động được thực hiện bởi Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng khi làm việc tại nhà trong đại dịch, chúng ta dành thời gian làm việc nhiều hơn 48 phút mỗi ngày so với cách làm việc truyền thống.

Bên cạnh đó, khi chúng ta buộc phải online nhiều hơn nghĩa là dễ trở thành "nạn nhân" của persuasive technology (tạm dịch: công nghệ thuyết phục) hơn. Có thể hiểu nôm na là các ứng dụng, mạng xã hội... sẽ càng hiểu rõ người dùng hơn khi thời gian, trải nghiệm chúng ta dành cho chúng ngày càng nhiều hơn.

Và khi công nghệ đã "rất hiểu" người dùng thì liệu chúng ta có thể dễ dàng rời xa chúng - những thứ đem lại cảm giác thoải mái, đồng cảm có khi thậm chí hơn cả thế giới thật? Công nghệ không xấu nhưng việc gắn chặt cuộc sống vào chúng ắt hẳn sẽ tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người trẻ sau này.

Jonathan cũng cho biết bạn mất khoảng vài tuần để có thể thật sự thích nghi cuộc sống sau giãn cách. Cụ thể, bạn vẫn chưa quen việc gặp nhau mà không còn bắt tay đồng nghiệp nam như xưa, và phải hạn chế tối đa việc giao tiếp với mọi người vì chẳng rõ ai đã tiêm vắc xin, ai thì chưa.

Kỹ năng: học online ít hiệu quả

Việc học online thời gian dài cũng trở thành nỗi lo lắng cho nhiều bạn trẻ phương tây. Tạp chí Fortune (Mỹ) trong một bài đăng đầu mùa hè 2021 cho biết ở Mỹ vẫn có 20% học viên các cấp không có máy vi tính hay kết nối Internet để học từ xa.

Và không ít nghiên cứu chỉ ra rằng việc học online khó thể nào giúp người trẻ trau dồi nhiều kỹ năng bằng mô hình lớp học truyền thống.

Một số bạn trẻ tại châu Âu cho biết tuy đã được đi tập thể dục, du lịch một số nơi, nhưng tâm lý chung là dè chừng, lo lắng.

"Việc đeo khẩu trang quá lâu khiến tôi và chúng bạn có cảm giác bất an khi đứng gần ai đó không mang khẩu trang. Hiện tôi thường từ chối các cuộc gặp trực tiếp và chuyển sang gọi video dù biết sẽ khó thể vui bằng", Paulina - một nữ nhà báo trẻ người Đức - chia sẻ.

Hộ chiếu vắc xin - Thẻ thông hành xanh cho hàng không giai đoạn bình thường mớiHộ chiếu vắc xin - Thẻ thông hành xanh cho hàng không giai đoạn bình thường mới

Ứng dụng hộ chiếu vắc xin ngày càng được các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đề cập như một trong những giải pháp cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và phát triển kinh tế trong đại dịch COVID-19.

Nguồn bài viết