Tiêm vắc xin cho công nhân ở thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) - Ảnh: NGỌC HÂN
Ngày 2-11, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn có cấp độ dịch là cấp 3 (vùng cam) và cấp 4 (vùng đỏ).
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động tham gia sản xuất phải được tiêm 2 liều vắc xin hoặc là người đã khỏi bệnh COVID-19; đồng thời phải xét nghiệm test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần theo quy định của Bộ Y tế, lưu ý tập trung nhóm có nguy cơ cao, tiếp xúc nhiều.
Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại sau thời gian bị đình chỉ, ngưng hoạt động phải thực hiện test nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lao động trước khi vào làm việc.
Ngoài ra, kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng và khoảng cách giữa người lao động từ 2m trở lên. Trường hợp không bảo đảm phải có vách ngăn giữa người lao động hoặc người lao động có sử dụng kính che giọt bắn.
Tương tự, đối với chợ truyền thống và chợ đầu mối, tỉnh Bạc Liêu cũng quy định nhân viên, người lao động và khách hàng tham gia giao dịch mua bán tại các chợ phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc là người đã khỏi bệnh COVID-19; thực hiện quy định về giãn cách, giao dịch an toàn, đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận, kiểm soát số lượng khách ra, vào không để ùn ứ, tạo vách ngăn giữa các quầy hàng và giữa người bán hàng với khách hàng.
Ngay sau khi tỉnh Bạc Liêu ban hành quy định này, một số doanh nghiệp trong ngành thủy sản đã băn khoăn bởi họ cho rằng sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Đại diện một doanh nghiệp thủy sản ở thị xã Giá Rai bày tỏ: "Theo ước tính của tôi, khoảng 2 - 3 tuần nữa tỉnh mới phủ vắc xin mũi 2 cho 50% công nhân các doanh nghiệp (hiện khoảng 20-30%). Để vắc xin phát huy tác dụng ít nhất phải mất 7 ngày, như vậy tổng cộng phải mất 3 - 4 tuần nữa".
Người này phân tích, trong thời gian này, nếu doanh nghiệp không thể hoạt động, không có người đi mua tôm, tôm của nông dân cũng không tiêu thụ được. Đơn hàng trễ hơn 1 tháng, doanh nghiệp vừa mất khách, vừa không có tiền bồi thường hợp đồng.
Vị đại diện này nói: "Tháng 11 này không làm để giao hàng thì tháng 12 không giao được do đã qua dịp lễ hội Noel, Tết dương lịch. Không biết lấy đâu tiền để trả lãi ngân hàng, lương cán bộ công nhân viên, điện bảo quản hàng tồn kho, bảo hiểm xã hội... Tôi ước tính sơ bộ tổng thiệt hại phải hàng trăm tỉ đồng, mà thiệt hại vô hình còn lớn hơn rất nhiều".