Bạc Liêu hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

9 tháng trước 73
Chú thích ảnhSản phẩm tôm khô của hợp tác xã Tân Huy Hoàng được công nhận đạt OCOP 3 sao.

Tỉnh Bạc Liêu đang tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã tích tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu năm 2024 có thêm 20 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, để hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt Đề án Chương trình OCOP năm 2024. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, tỉnh cũng hỗ trợ các chủ thể kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như xây dựng câu chuyện sản phẩm…

Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP; trong đó, tập trung trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, thực hiện quản lý mã vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường.

Đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục sẽ tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Đặc biệt là xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chương trình, tìm kiếm và tham gia các hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng nước ngoài, từng bước mở rộng xuất khẩu để giúp sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa.

Bạc Liêu hiện có 131 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó, có 34 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 97 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Theo đánh giá của ngành chức năng, các sản phẩm hàng hóa chất lượng, có lợi thế ở địa phương ngày càng được nâng cao giá trị và có thị trường tiêu thụ ổn định hơn; trong đó, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường các nước. Thông qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Chú thích ảnhTổ Yến sơ chế trong các hộp phục vụ người tiêu dùng mua làm quà biếu Tết.

Theo ông Đặng Minh Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, đơn bị đã đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị và xây dựng biển hiệu 5 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các huyện: Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải và thị xã Giá Rai. Chi cục cũng phối hợp với Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu tổ chức 7 lớp đào tạo, nâng cao năng lực cho trên 200 cán bộ quản lý chương trình cấp huyện, xã. Đồng thời xây dựng tài liệu “Cẩm nang giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu, ngôn ngữ Việt - Anh”; số hóa tạo mã QR sản phẩm OCOP; lập trình sách điện tử; xây dựng video clip giới thiệu các sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu...

Cùng với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cũng đang chủ động nắm bắt thông tin, định hướng thị trường và các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để kết nối cho các doanh nghiệp, cơ sở sản phẩm OCOP tham gia.

Theo đánh giá, việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại đang mang lại những thành công nhất định. Các sản phẩm OCOP ngày càng được quảng bá rộng rãi, mở rộng hệ thống tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Một số mặt hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh ngày càng được thị trường biết đến và đánh giá cao. Cùng với đó, các cơ sở, doanh nghiệp còn có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, giao lưu, trao đổi và tìm hiểu về phương thức kinh doanh có hiệu quả, từ đó ký kết được nhiều hợp đồng với đối tác, khách hàng từ các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương, cung - cầu hàng hóa.

Nguồn bài viết