Bệnh nhân ổn định sau khi được cầm máu - Ảnh: BV cung cấp
Bệnh nhân là anh B. (20 tuổi), được một bệnh viện ở Cà Mau chuyển đến trong tình trạng nguy kịch: huyết áp tụt, mạch khó đo, đi tiêu ra máu đỏ tươi ồ ạt. Bệnh nhân đã được cấp cứu tại bệnh viện địa phương và chuyển viện ngay đến Bệnh viện Đa khoa trung ương.
Ê kíp trực khoa cấp cứu đã tiến hành xử trí, lập 2 đường truyền cùng lúc để vừa bù nhanh dịch truyền, vừa truyền máu và huyết tương cấp cứu.
Ngay sau đó bệnh nhân được nội soi dạ dày và đại tràng cấp cứu; ghi nhận ở đại tràng bệnh nhân có nhiều máu đỏ tươi, không tìm thấy vị trí chảy máu. Bác sĩ nghi ngờ chảy máu từ ruột non nên cho chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang và phát hiện bị thoát mạch, chảy máu.
Các bác sĩ tiến hành chụp DSA và nút động mạch cầm máu cấp cứu. Sau khi xác định ổ thoát mạch từ ruột non, các bác sĩ tiến hành bơm hỗn hợp keo làm tắc ngay vị trí chảy máu. Sau can thiệp, bệnh nhân hết xuất huyết, sức khỏe ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Bác sĩ Bồ Kim Phương, trưởng khoa nội tiêu hóa - huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết tỉ lệ xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm khoảng 20/100.000 người. Trong một số trường hợp phải can thiệp khi chảy máu vẫn tiếp diễn sau điều trị nội khoa và nội soi.
Can thiệp nội mạch được xem là một trong những phương pháp nhanh, hiệu quả và an toàn. Bác sĩ sẽ luồn ống thông vào mạch máu của bệnh nhân, tình trạng sẽ được chẩn đoán chính xác và can thiệp vào mạch máu đang bị xuất huyết, nút mạch cầm máu nhanh.