Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Trước khi sống chung với dịch, chúng ta phải sống chung với nhau'

3 năm trước 246
 Trước khi sống chung với dịch, chúng ta phải sống chung với nhau - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối cung - cầu nông, thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.HCM" do báo Người Lao Động phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức sáng 14-9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết ông muốn gửi thông điệp: "Trước khi sống chung với dịch bệnh, chúng ta phải sống chung với nhau".

Theo đó, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, thương lái và người nông dân phải có tư duy sống chung với nhau, như ngồi chung một bàn tròn để cùng nhau chia sẻ, gỡ rối, không nên để bên này gỡ rồi còn bên kia làm rối hơn.

"Các địa phương hay có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi nói đồng hành cùng doanh nghiệp thì giống như giữa chính quyền và doanh nghiệp đang ngồi chung một chiếc xuồng để ra khơi, cùng đồng hành sóng gió, mỗi bên chỉ lắc một chút xíu là xuồng lật.

Ngồi trong cùng một chiếc xuồng thì phải tạo ra thế cân bằng, ngay cả trong cảm xúc, trong hành động để giữ một thế cho chiếc xuồng không chông chênh, cùng vượt qua sóng gió. Càng sóng gió chúng ta càng cần hết sức bình tĩnh để giữ thăng bằng", ông Hoan chia sẻ.

Theo ông Hoan, hiện tại không thể đạt được mong muốn mọi việc như chưa có đại dịch COVID-19, mà các giải pháp đưa ra với mong muốn góp phần tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp để hướng tới ngày mai xán lạn hơn.

Hiện vấn đề của ĐBSCL là không có kết nối giữa 13 địa phương như một thực thể dù bản thân vùng này là một thực thể, chỉ chia cắt bằng địa giới hành chính. Những khó khăn hiện tại cũng là dịp để thử thách tư duy liên kết vùng, nếu xem là một thực thể thì ứng xử khác, còn xem như 13 chủ thể riêng biệt thì ứng xử khác. 

"Trong đó có Bộ NN&PTNT cũng chưa đảm đương vai trò là phó ban điều phối cấp vùng của 13 tỉnh, thành trong vùng để nối mạch máu bị đứt gãy trong vận hành đại dịch vừa qua", ông Hoan thừa nhận.

 Trước khi sống chung với dịch, chúng ta phải sống chung với nhau - Ảnh 2.

Nông sản được bày bán tại một điểm bán hàng bình ổn giá trên đường Trần Văn Hoài, TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ - cho rằng TP.HCM là trung tâm lớn, việc chống dịch rất khó khăn. 

Tuy nhiên, vào giai đoạn phục hồi, TP.HCM sẽ phục hồi nhanh hơn các tỉnh ĐBSCL vì có 1 trung tâm chỉ huy là lãnh đạo cấp TP. Nhưng ĐBSCL thì có 13 lãnh đạo khác nhau và giữa các địa phương chưa có sự thống nhất giữa giao thương và trong các quy định.

Theo ông Lam, hiện các quy định của địa phương không vượt quá khung quy định của Nhà nước, nhưng để đảm bảo phòng chống dịch những quy định lại khác nhau khiến doanh nghiệp phải chịu những quy định rất rườm rà. Một doanh nghiệp đi từ TP.HCM tới Cà Mau phải qua 5-6 tỉnh, phải chịu 5-6 thủ tục khác nhau.

"Bộ Giao thông vận tải cần thống nhất thủ tục quy định, hiện nay chúng ta có luồng xanh, tuy nhiên chỉ ở điểm đến và điểm đi, còn đi vào các địa phương, huyện thị thu mua thế nào thì hiện nay chưa có. Làm sao 13 tỉnh chúng ta có chung một quy định thống nhất. 

Bộ NN&PTNT cũng cần đề nghị thêm với các địa phương có cách thức chung để thương lái thu mua, thu hoạch được kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng cần liên kết để giải quyết khâu nguyên liệu và sản xuất", ông Lam đề xuất.

Sẽ làm việc với chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức để hoạt động lại

Ông Nguyễn Huy Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết nguồn hàng hiện nay ở các địa phương ĐBSCL rất dồi dào nhưng gần như ách tắc, không được giải tỏa và nếu buôn bán được thì giá cả rẻ, tuy nhiên hàng về TP.HCM khó khăn, giá cả nâng lên rất nhiều so với trước đây.

Nêu một số giải pháp trong thời gian tới, theo ông Phương, đáng chú ý phải nhanh chóng tổ chức lại hệ thống phân phối truyền thống, trước mắt tổ chức điểm tập kết trung chuyển hàng hóa 3 chợ đầu mối.

"Chợ Bình Điền đang tăng từng ngày. Ngày đầu tiên hàng thủy hải sản về chợ hơn 10 tấn, tính cả rau, củ, quả thì khoảng 28 tấn, nhưng hôm qua lượng hàng đã hơn 100 tấn.

Với kinh nghiệm triển khai bước đầu ở Bình Điền, ngày mai chúng tôi sẽ làm việc với chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức để từ từ mở lại những điểm tập kết này và dần dần mở lại chợ truyền thống, tạo đầu ra phong phú hơn, lớn hơn cho bà con nông dân ở các địa phương", ông Phương nói.

Bạc Liêu thành lập tổ điều phối, tiêu thụ nông sản, Cà Mau thu hoạch lúa trong đêmBạc Liêu thành lập tổ điều phối, tiêu thụ nông sản, Cà Mau thu hoạch lúa trong đêm

TTO - Ngoài việc thành lập tổ điều phối, kết nối, tiêu thụ nông sản giúp dân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở Bạc Liêu sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng không hỗ trợ kịp thời cho dân.

Nguồn bài viết