Tuyến cáp quang biển nối Na Uy và Trạm vệ tinh Bắc Cực - Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Theo trang tin The Drive, sự cố gián đoạn xảy ra vào sáng 7-1. Tuy nhiên mãi đến ngày 10-1, Cơ quan Vũ trụ của Na Uy (Space Norway) mới chính thức công bố rộng rãi.
Một trong hai tuyến cáp quang cho phép liên lạc giữa Na Uy và Trạm vệ tinh Svalbard nằm trên quần đảo Svalbard thuộc Bắc Cực (do Na Uy quản lý) đã bị đứt.
Cơ quan Vũ trụ của Na Uy, đơn vị vận hành các tuyến cáp dưới biển, xác nhận tuyến cáp quang còn lại vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc mất một tuyến cáp quang đồng nghĩa không còn nguồn dự phòng nào.
Được biết đến với tên gọi hệ thống cáp ngầm Svalbard, 2 tuyến cáp quang này, mỗi tuyến dài hơn 1.287km, nối từ thị trấn Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard (Bắc Cực) đến đảo Andøya ở miền Bắc Na Uy.
Các tuyến cáp quang này cung cấp Internet băng thông rộng cho Trạm vệ tinh Svalbard. Nơi đây có hơn 100 ăngten vệ tinh nằm trên một ngọn núi và là trạm mặt đất lớn nhất của loại hình này trên thế giới.
Đối với các nhà khai thác vệ tinh quỹ đạo địa cực, Trạm vệ tinh Svalbard đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là một trong hai trạm mặt đất duy nhất trên thế giới có thể tải dữ liệu từ các vệ tinh trong quỹ đạo ở mỗi vòng quay của Trái đất.
Vị trí đứt của cáp quang nằm ở biển Greenland, cách thị trấn Longyearbyen trên quần đảo Svalbard khoảng 129-225km.
Hiện chưa rõ thủ phạm đứng đằng sau sự cố bí ẩn này. Tuy nhiên, khi các dây cáp thuộc Đài quan sát đại dương Lofoten-Vesterålen (LoVe) bị cắt vào năm 2021, sự nghi ngờ của Na Uy đã đổ dồn vào Chính phủ Nga, quốc gia có đủ năng lực để làm như vậy.
Cơ quan Vũ trụ của Na Uy cho biết họ sẽ xem xét nguyên nhân gây ra sự cố trên hệ thống cáp biển Svalbard. Đồng thời, giới chức Na Uy cho biết họ cũng đang theo dõi sát tình hình.
Mặc dù Svalbard được công bố là một khu phi quân sự, nhưng đã có những ý kiến - bao gồm cả từ Nga - cho rằng Trạm vệ tinh Svalbard trên quần đảo Svalbard được sử dụng để tải dữ liệu từ các vệ tinh quân sự cũng như thương mại.
Các tuyến cáp quang của Cơ quan Vũ trụ của Na Uy nằm trong một khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với cả Na Uy và Nga. Đây là một lối đi đặc biệt quan trọng đối với các tàu hải quân Nga, bao gồm cả tàu nổi và tàu ngầm. Các tàu Nga sử dụng lối đi này để di chuyển từ những căn cứ của họ ở phía Tây Bắc của Nga ra Đại Tây Dương.
Việc xác định xem có mạng lưới dưới biển nào trong khu vực này có khả năng giám sát những chuyển động của các tàu Nga sẽ là mối quan tâm lớn của hải quân Nga và các cơ quan tình báo của nước này.