Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - cho rằng tâm lý sợ rủi ro, đóng chặt sẽ khiến kinh tế không thể phát triển - Ảnh: A LỘC
Theo ông Lĩnh, trước đây quản lý theo cách truy vết F0 nên xã phường nào chuyển "vùng xanh" sang vùng vàng, cam, đỏ thì phải xem xét trách nhiệm. Tuy nhiên hiện nay Đồng Nai không còn theo đuổi mục tiêu "zero F0" nữa, mà chuyển sang "quản lý rủi ro".
Theo đó, Đồng Nai cho phép xuất hiện F0 vì nhiều rủi ro trong môi trường cuộc sống không kiểm soát hết được, nhưng đòi hỏi cách xử lý khi xuất hiện F0 thật tốt. Điều này đòi hỏi các xã phường khi xuất hiện F0 phải bình tĩnh xử lý.
"Lãnh đạo địa phương quan tâm cách làm, cách quản lý rủi ro, xử lý F0 khi xuất hiện trên địa bàn một cách hiệu quả. Còn nếu sợ rủi ro, đóng hết thì kinh tế không phát triển được. Còn mở 'vùng xanh' phát triển kinh tế, cho người dân được thở thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Một tư duy quản lý hiệu quả là chính, chứ không phải cứng nhắc là phải khóa chặt" - ông Lĩnh nói.
Cũng theo ông Lĩnh, mục tiêu "quản lý rủi ro" cho phép doanh nghiệp mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa chấp nhận rủi ro xuất hiện F0 trong doanh nghiệp. Lúc đó cần xử lý nhanh gọn, hết sức hiệu quả.
Để được vậy phải có vệ tinh y tế nằm trong doanh nghiệp, khu công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối đa. Ông Lĩnh đề nghị ban chỉ đạo các cấp quan tâm hơn đến các trạm y tế của doanh nghiệp và trạm y tế của khu công nghiệp, cố gắng nâng cao năng lực các trạm y tế này.
Về an sinh xã hội, ông Lĩnh nhắc lại việc TP.HCM đang làm gói an sinh thứ 3 với 7 triệu trên tổng số 12 triệu dân được hỗ trợ, tỉ lệ là 58% người dân được hưởng. Trong khi đó, Đồng Nai mới có khoảng 300.000 người dân trong tổng số 3,2 triệu dân được hỗ trợ.
Ông Lĩnh cho rằng đây là "con số rất bé", nguyên nhân do tư duy quá khắt khe, quy định chặt chẽ, "không rộng" nên người dân không được hưởng.
"Tôi không nói cơ sở làm sai hay không sai nhưng chúng ta phải chuẩn lại chủ trương từ tỉnh đến khu, ấp; làm sao đối tượng mở ra, người dân được hưởng như thế nào. Tôi nói tối thiểu 60% dân số trong tổng số 3,2 triệu dân phải được hưởng từ gói an sinh 68" - ông Lĩnh nêu vấn đề.
Ông Lĩnh đề nghị các địa phương rà soát, nếu chưa đạt được con số này cần xem lại về tư duy, cách làm và quan tâm tăng hỗ trợ, bổ sung đối tượng được hưởng để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả.