Có hơn 18.000 tài khoản mở trong các năm 1940-2010 vừa bị rò rỉ tại Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
Một vụ rò rỉ lớn của hơn 18.000 tài khoản được mở từ thập niên 1940 đến những năm 2010 vừa xảy ra với Сredit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ. Cuộc điều tra vạch mặt những kẻ bị cáo buộc lừa đảo và những cá nhân bị trừng phạt cùng hoạt động thiếu minh bạch của Ngân hàng Сredit Suisse.
Cuộc điều tra này do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp với Dự án báo chí về tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP), với sự tham gia của 47 tờ báo, gồm Le Monde của Pháp và The Guardian của Anh.
Theo Le Monde, dữ liệu đề cập ở trên được cung cấp ẩn danh cho báo Süddeutsche Zeitung (Đức) cách đây hơn một năm. Kho tàng ban đầu chứa 37.000 tài khoản của những người hoặc công ty nắm giữ hơn 100 tỉ USD. Le Monde lưu ý rằng "ít nhất 8 tỉ USD có liên quan đến các khách hàng được xác định là có vấn đề".
Theo Hãng tin Sputnik, những tài khoản bị rò rỉ chủ yếu từ khách hàng tại những nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ.
Vào năm 2021, từ đánh giá của bảng xếp hạng do ICIJ công bố, các nhà báo và nhà quan sát kinh tế đã nhận xét: Các chính trị gia Mỹ đã vắng mặt một cách đáng chú ý trong danh sách những cá nhân được nêu trong Hồ sơ Pandora. Hơn nữa, những người giàu nhất nước Mỹ như Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett cũng không xuất hiện trong các vụ rò rỉ.
Hồ sơ Pandora bao gồm 11,9 triệu hồ sơ tài chính liên quan đến nhiều chính trị gia và người nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tương tự, vụ rò rỉ "Bí mật Thụy Sĩ" của OCCRP chủ yếu nhắm vào các nước đang phát triển, bao gồm châu Phi, Trung Đông, châu Á và Nam Mỹ, trong khi khách hàng sống ở Tây Âu chỉ chiếm 1% trên tổng số, theo tạp chí Euronews. Danh sách của OCCRP không bao gồm các chính trị gia và tài phiệt nổi tiếng của Mỹ.
Năm 2021, tờ Daily Mail lý giải những người Mỹ "giàu có" không được đề cập trong Hồ sơ Pandora vì họ "có ít động lực hơn để sử dụng các thiên đường ở nước ngoài do mức thuế họ phải trả ở Mỹ khá thấp".
Tuy nhiên Adriel Kasonta, một nhà phân tích các vấn đề đối ngoại có trụ sở tại London, vào ngày 6-10-2021 đã cho rằng để hiểu "thiên vị chính trị" của ICIJ, người ta nên xem danh sách các nhà tài trợ của ICIJ .
Các nhà tài trợ phi lợi nhuận cho ICIJ chủ yếu là các tổ chức tự do như Tổ chức Xã hội mở của tỉ phú George Soros (OSF), Quỹ Ford, Quỹ Bertha, Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad)...
Về phần mình, OCCRP "được tỉ phú George Soros tài trợ gần như hoàn toàn, với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Mỹ", theo ấn phẩm năm 2017 của Quỹ Di sản trên trang tin The Daily Signal.