Tàu chiến của Đài Loan (số hiệu 933) và Trung Quốc di chuyển gần nhau trong đợt tập trận của Trung Quốc từ ngày 4 đến 7-8 - Ảnh: THE WAR ZONE
Kinh nghiệm thu được từ các cuộc tập trận lần này rất quý giá. Đây thực sự là cuộc diễn tập cho một chiến dịch tái thống nhất tiềm năng.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc nói về đợt tập trận ở 6 vùng biển quanh đảo Đài Loan từ ngày 4 đến 7-8.
Khi được hỏi về cuộc tập trận mới, Bắc Kinh cho biết chỉ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự bình thường "trong vùng biển của mình".
Một số nhà quan sát nghi ngờ Bắc Kinh đang mượn nước đẩy thuyền, đưa các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan thành bình thường mới.
Tạo hiện trạng mới
Các hoạt động này không chỉ cho thấy sự tức giận của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, mà còn vô tình cho thế giới thấy quy mô một cuộc tấn công của đại lục vào đảo Đài Loan có thể sẽ diễn ra như thế nào.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đợt tập trận từ ngày 4 đến 7-8, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã huy động hơn 100 máy bay, 10 tàu khu trục bao gồm khu trục hạm Type 055 và máy bay không người lái cho nhiệm vụ giám sát. Trên đất liền, lực lượng pháo phản lực phóng loạt của lục quân và tên lửa thông thường của lực lượng tên lửa chiến lược cũng được huy động.
Dựa trên các hình ảnh công khai và thông tin từ Nhật Bản, có thể thấy Trung Quốc đang muốn thể hiện sức mạnh với Đài Loan hơn là gửi thông điệp cứng rắn trực tiếp đến Mỹ. Bắc Kinh đã không sử dụng các tên lửa có biệt danh rất kiêu như "sát thủ diệt tàu sân bay" (DF-21) hay DF-16 ("sát thủ diệt đảo Guam" - một căn cứ quan trọng của Mỹ). Thay vào đó là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên đất liền như căn cứ quân sự, sở chỉ huy…
Điều Trung Quốc muốn thể hiện ở đây chính là sự quyết tâm của nước này trong việc bảo vệ nguyên tắc "Một Trung Quốc" và khả năng kiểm soát Đài Loan nếu muốn. Nếu DF-21 hay
DF-26 và các thành tố khác trong hệ thống chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) được kích hoạt, đó mới là thông điệp mạnh mẽ yêu cầu Mỹ và đồng minh "đừng can thiệp".
Việc Trung Quốc muốn biến tập trận thành bình thường mới không có gì ngạc nhiên. Điều này sẽ khiến căng thẳng luôn hiện diện ở Đài Loan, trước hết là làm suy yếu tinh thần và sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.
Khi căng thẳng luôn hiện diện, các doanh nghiệp nước ngoài và kể cả Đài Loan, trong đó có ngành sản xuất chip, sẽ phải nghĩ đến việc rời vùng lãnh thổ này để đến một quốc gia khác ít bị tổn thương nếu xảy ra xung đột. Hệ quả của việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn cả an ninh của Đài Loan.
Những cuộc tập trận liên tục cũng sẽ tạo ra hiện trạng mới theo ý muốn của Trung Quốc. Đầu tiên là xóa bỏ khái niệm "đường trung tuyến giả định" trên eo biển Đài Loan. Mặc dù không công nhận đường này, trong thực tế trước đây các máy bay và tàu chiến Trung Quốc thường kiềm chế vượt qua.
Đợt tập trận vừa qua cho thấy quân đội Trung Quốc đã băng qua ranh giới giả định trên và tiến sát như thế nào đến bờ biển Đài Loan, dựa trên các hình ảnh được cả hai bên công bố. Đó là chỉ dấu mở đường cho các hoạt động quân sự gần bờ biển Đài Loan hơn trong tương lai.
Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan Nguồn: Tân Hoa xã, CNA - Đồ họa: TTO
Hé lộ kịch bản phong tỏa
Các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc từ lâu đã thảo luận về kế hoạch phong tỏa Đài Loan, song đã không hành động vì lo lắng căng thẳng sẽ vượt qua tầm kiểm soát. Chuyến thăm của bà Pelosi đã tạo cơ hội để Trung Quốc thử nghiệm một kế hoạch như vậy nhằm đánh giá phản ứng của quốc tế.
Việc Bắc Kinh ấp ủ từ lâu kế hoạch phong tỏa Đài Loan thể hiện rõ ở một chi tiết: chỉ 15 phút sau khi bà Pelosi đến Đài Bắc, Tân Hoa xã đã công bố kế hoạch tập trận "được chuẩn bị chi tiết" ở 6 khu vực xung quanh đảo Đài Loan. Khi tiến hành phân tích vì sao lại là những vùng này, ta có thể thấy Bắc Kinh thực sự đã tính toán rất kỹ lưỡng trong thời gian dài.
Chẳng hạn, vùng 1 nằm ngoài khơi đảo Bình Đàm (Pingtan) của Trung Quốc đại lục, ở phần hẹp nhất của eo biển Đài Loan. Hàm ý của quân đội Trung Quốc khi chọn khu vực nút thắt cổ chai này là để gửi thông điệp Bắc Kinh có thể đóng cửa phía bắc vào eo biển Đài Loan bất cứ khi nào cần thiết. Vùng 2 nằm ở phía bắc Đài Loan và cách Đài Bắc chỉ khoảng 50km. Khu vực này khá gần cả cảng Đài Bắc và cảng Cơ Long (Keelung) - một cảng quan trọng cho cả hoạt động quân sự và thương mại.
Vùng 2 cũng nằm gần các bãi biển của Đài Loan, nơi các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc tin rằng là địa điểm rất phù hợp cho một cuộc đổ bộ tiềm năng lên đảo. Vùng 3 nằm ở phía đông bắc, cho thấy ý đồ ngăn chặn tiếp viện từ Nhật Bản nếu có, mặt khác cho thấy kịch bản đánh nhanh thắng nhanh của đại lục. Khi kết hợp hoạt động quân sự ở cả 3 vùng này, Trung Quốc có thể tiến nhanh tới Đài Bắc, nơi tập trung đầu não của chính quyền Đài Loan.
Vùng 4 cách bờ biển phía đông của Đài Loan khoảng 130km và là khu vực ít khi chứng kiến các hoạt động quân sự của Trung Quốc vì được che chắn bởi các dãy núi cao chạy dọc theo đảo. Vùng này đối diện trực tiếp với căn cứ không quân tại Hoa Liên và Đài Đông - hai trong số các căn cứ quan trọng của Đài Loan.
Có thông tin tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã bay qua đảo Đài Loan và đánh trúng mục tiêu trong vùng này. Đó là một lời cảnh báo của Bắc Kinh rằng tên lửa của PLA có thể vượt qua các dãy núi xương sống của Đài Loan để tập kích các căn cứ bờ biển phía đông.
Vùng 6 nằm ở góc tây nam của Đài Loan và là vùng lớn nhất, nằm gần khu vực ủng hộ nhiệt thành Đảng Dân chủ tiến bộ của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Mặc dù cũng có một số căn cứ quan trọng nằm gần vùng tập trận này, mục đích của Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), là nhắm vào sự ủng hộ của người dân dành cho bà Thái.