Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch COVID-19

3 năm trước 278
Chú thích ảnhĐoàn viên, thanh niên trao quà đến từng nhà các lao động gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận những kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách theo hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu tập trung làm rõ một số nhóm chính sách tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt số lượng nhiều song tỷ lệ chi trả đạt thấp như: Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh (mới thực hiện chi trả đạt 28,87% so với số hộ đã được phê duyệt); chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (chi hỗ trợ đạt 43,44% so với số được phê duyệt); chính sách hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác (chi hỗ trợ đạt 53% so với số người được phê duyệt)… Ngoài ra, các vấn đề về khảo sát nhu cầu việc làm và hỗ trợ cho người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về cũng được thảo luận.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà chia sẻ với tỉnh Bình Thuận phải huy động tổng lực để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trở lại; ghi nhận những kết quả của tỉnh trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian qua cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Riêng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh Bình Thuận thực hiện rất quyết liệt và bài bản. 11/12 chính sách hỗ trợ được triển khai theo đúng quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nhóm chính sách trụ cột, tỷ lệ người lao động được hỗ trợ còn thấp và tỷ lệ chi sau khi phê duyệt còn chậm. Bà Nguyễn Thị Hà đề nghị tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ hiện nay; rà soát lại tổng thể số lượng các đối tượng trên thực tế để tránh bỏ sót, thiếu những đối tượng xứng đáng được thụ hưởng; đồng thời tăng tốc thực hiện chi hỗ trợ kịp thời ngay sau khi phê duyệt để người lao động đón nhận chính sách càng sớm càng tốt.

Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp về hồ sơ, hướng dẫn thủ tục để vay vốn từ ngân hàng chính sách và các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh bỏ sót đối tượng, đồng thời tránh trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi.

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ đã góp phần san sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Bình Thuận. Tính đến ngày 10/11, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 34.247 người thuộc các nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; người lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác với tổng số tiền hơn 69 tỷ đồng.

Tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 1.839 hộ kinh doanh với số tiền 5,5 tỷ đồng; hỗ trợ 6 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Ngoài ra, Bình Thuận hỗ trợ tiền ăn cho 4.675 người và hỗ trợ thêm cho 628 trẻ em là bệnh nhân mắc COVID- 19, người thực hiện cách ly y tế…Thực hiện các chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, toàn tỉnh có 3.188 đơn vị, doanh nghiệp với 86.400 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền giảm đóng gần 28 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Thuận, qua triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tỉnh chưa phát hiện, chưa tiếp nhận ý kiến phản ánh có trường hợp tiêu cực hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng tiếp nhận hồ sơ của người lao động đề nghị hỗ trợ đạt tỷ lệ thấp so với số dự kiến hỗ trợ; tiến độ thẩm định, trình phê duyệt, thực hiện chi trả hỗ trợ ở một số địa phương còn chậm. Tỉnh đang khẩn trương rà soát tất cả người lao động trên địa bàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, phê duyệt và phấn đấu hoàn thành việc cho hỗ trợ cho người dân trước ngày 15/12.

Nguồn bài viết