Bình Phước lần đầu tiên ứng dụng công nghệ AI vào 'Sổ tay đảng viên điện tử'

1 năm trước 104

Đây lần đầu tiên công nghệ trí tuệ nhân tạo AI được áp dụng vào công tác đảng, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, từng bước số hóa nghiệp vụ công tác Đảng trên địa bàn.

Chú thích ảnhĐảng viên tỉnh Bình Phước trải nghiệm "Sổ tay đảng viên điện tử". 

Sổ tay đảng viên điện tử được Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng Tỉnh ủy Bình Phước xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại sử dụng ứng dụng (app) cho thiết bị di động (hệ điều hành iOS và Android) tương thích các trình duyệt Internet. Sổ tay có chức năng triển khai học tập nghị quyết, kiểm tra nhận thức của cán bộ, đảng viên sau học tập nghị quyết; điều tra khảo sát dư luận xã hội, cung cấp thông tin, nội dung nghị quyết, văn kiện, tư liệu, văn bản mới, các clip tuyên truyền; tổng hợp kết quả triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy.

"Sổ tay đảng viên điện tử" còn cung cấp thông tin quan trọng, nổi bật về tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy; tài liệu sinh hoạt chi bộ định kỳ..., góp phần định hướng, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới.

"Sổ tay đảng viên điện tử" là ứng dụng đầu tiên được tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Đồng thời, công nghệ tổng hợp tiếng nói "text to speech" tạo ra tiếng nói nhân tạo có ngữ điệu tự nhiên, qua đó hỗ trợ đảng viên cập nhật các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và các tin tức trên trang thông tin hoạt động một cách kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Nền tảng trợ lý ảo bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ tự động trả lời các câu hỏi về các điều lệ, quy chế hoạt động, xây dựng, phát triển Đảng. Trong tương lai, trợ lý ảo là bộ phận đắc lực trong hỗ trợ tự động cho các tổ chức đảng, đảng viên trong toàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi ra mắt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng cho biết, “Sổ tay đảng viên điện tử” với nhiều chức năng, ứng dụng tiện lợi, dễ sử dụng, giúp các tổ chức đảng, đảng viên dễ dàng tiếp cận, tham gia hoạt động trên môi trường số thuận lợi, an toàn. Đồng thời, hỗ trợ quản lý thông tin, tài liệu đảng viên; quản lý công việc của chi bộ, quản lý đảng viên chặt chẽ, nhanh hơn, hiệu quả hơn khi danh sách, thông tin về đảng viên được cập nhật thường xuyên; chủ trương của cấp ủy được truyền đạt nhanh chóng, tiếp nhận ý kiến đóng góp của đảng viên một cách kịp thời.

Bà Huỳnh Thị Hằng nêu rõ, bên cạnh khai thác những nền tảng chung, “Sổ tay đảng viên điện tử” tỉnh Bình Phước còn xây dựng thêm các ứng dụng riêng phù hợp với đặc thù của địa phương như: ứng dụng quán triệt nghị quyết trực tuyến đến từng đảng viên của chi bộ; xây dựng bộ câu hỏi để đánh giá chất lượng đảng viên học tập nghị quyết; ứng dụng theo dõi số lượng đảng viên truy cập vào đọc nghị quyết; ứng dụng nhắn tin, trao đổi giữa các đảng viên và giữa cấp ủy, chi bộ với từng đảng viên. Đây được xem là nền tảng bước đầu để Bình Phước hướng tới quản lý cán bộ, đảng viên dựa trên nền tảng công nghệ.

Hiện, Đảng bộ tỉnh Bình Phước có 742 tổ chức cơ sở đảng, 2.412 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 38.666 đảng viên. Việc số hóa công tác Đảng, quản lý đảng viên trên ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” sẽ giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Những tiện ích ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” mang lại, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin chính thống cho đảng viên, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ; tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên tích cực hoạt động trên môi trường số, nhanh chóng tiếp cận với thông tin thời sự, hoạt động của Đảng bộ tỉnh, các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, trở thành những hạt nhân hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội số. Đây cũng là tiền đề triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về chuyển đổi số đến năm 2025.

Nguồn bài viết