Bình Dương thêm bệnh viện dã chiến 1.500 giường, siết giãn cách xã hội

2 năm trước 790
Bình Dương thêm bệnh viện dã chiến 1.500 giường, siết giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở vật chất hiện đại được vận chuyển tới bệnh viện dã chiến - Ảnh: TUẤN DUY

Ngày 17-7, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và các ngành chức năng tỉnh đã kiểm tra bệnh viện dã chiến quy mô 1.500 giường được đặt tại Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới (WTC EXPO).

Sau 5 ngày triển khai, bệnh viện đã đảm bảo cơ sở vật chất, dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ ngày mai (18-7) nhằm góp phần chia sẻ áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trong tỉnh.

Bệnh viện dã chiến 1.500 giường đặt tại trung tâm hội nghị triển lãm có quy mô lên tới 22.000m2, là một trong những trung tâm hội nghị triển lãm có quy mô lớn nhất nước vừa được xây dựng liền kề trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Đây là một trong hai bệnh viện dã chiến vừa được UBND tỉnh Bình Dương quyết định trưng dụng, dựa trên cơ sở vật chất thuộc sự quản lý của Tổng công ty Becamex IDC (vốn UBND tỉnh chiếm chi phối). 

Một bệnh viện dã chiến khác cũng dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 8-2021 (tùy theo diễn biến của dịch bệnh), đặt tại xưởng khởi nghiệp thuộc khuôn viên Trường đại học quốc tế Miền Đông.

Trước đó, tỉnh Bình Dương cũng đã trưng dụng nhiều địa điểm để làm khu điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc cách ly y tế như ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (thành phố Dĩ An), Trường cao đẳng Y tế tỉnh...

Bình Dương thêm bệnh viện dã chiến 1.500 giường, siết giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Quân đội phun khử trùng tại bệnh viện dã chiến 1.500 giường đặt tại Trung tâm triển lãm quốc tế thành phố mới (WTC EXPO) Bình Dương - Ảnh: TUẤN DUY

Liên quan việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giãn cách xã hội đối với 19 tỉnh, thành phía Nam (trong đó có Bình Dương) từ 0h ngày 19-7, UBND tỉnh cho biết trước đó đã áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 đối với 7/9 đô thị đông dân nhất toàn tỉnh. Vì vậy, theo chỉ đạo mới của Chính phủ thì tỉnh sẽ mở rộng giãn cách với hai huyện còn lại là Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, các nhà máy tại Bình Dương chỉ được hoạt động khi có phương án phòng chống dịch đạt tiêu chuẩn, đảm bảo "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và áp dụng quy định "1 cung đường, 2 địa điểm" (người lao động chỉ đi lại giữa chỗ ở và công ty theo một cung đường, không dừng ghé địa điểm khác). Riêng ngành y tế và lực lượng vũ trang được yêu cầu trực chiến 100% quân số.

Trong chiều 17-7, tỉnh Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm 281 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong cộng đồng là 2.580 ca. Hơn 600 công nhân của Công ty Wanek cách ly tại Trường tiểu học Phú Hòa 2 và tiểu học Phú Hòa 3 (TP Thủ Dầu Một) sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần đã được về nhà.

Bình Dương cán mốc 1.500 ca mắc, 7/9 đô thị đông dân đều giãn cáchBình Dương cán mốc 1.500 ca mắc, 7/9 đô thị đông dân đều giãn cách

TTO - Tốc độ gia tăng ca mắc COVID-19 liên tục đạt kỷ lục mới, đã cán mốc 1.500 ca và 7/9 đô thị đông dân nhất của Bình Dương đều giãn cách theo chỉ thị 16.

Nguồn bài viết