NASA nói cơn bão Mặt trời có thể làm hỏng GPS, điện và tín hiệu điện thoại - Ảnh: NASA
Theo thông tin của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), bão Mặt trời này bắt nguồn từ một vụ nổ phun trào tia lửa Mặt trời diễn ra vào ngày 20-1 và đạt cực đại vào lúc 7h31 sáng 20-1 tại Việt Nam.
Sự giải phóng năng lượng từ trường đột ngột - được tích tụ trong chuyển động liên tục của Mặt trời - đã gây ra vụ nổ.
Ánh sáng và bức xạ từ tia lửa Mặt trời có thể đến Trái đất trong vài phút. Tuy nhiên, khối lượng đăng quang (CME) có xu hướng di chuyển chậm hơn rất nhiều, đôi khi mất ba ngày để đến được Trái đất.
Tia lửa Mặt trời được Trung tâm Dự báo thời tiết không gian (SWPC) thuộc Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ - cơ quan chuyên theo dõi hiện tượng phun trào nhật hoa và các sự kiện tương tự - phân loại là M 5,5 hoặc tia lửa Mặt trời mức trung bình.
Trang Spaceweather.com đã đưa ra cảnh báo: "Tình trạng bất ổn địa từ có thể xảy ra vào ngày 23-1 và cao điểm là ngày 24-1, khi một loạt vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) tạo ra những cú đánh nhanh vào từ trường của Trái đất".
Ở đây CME sẽ giải phóng lượng plasma (một loại khí của các ion) đáng kể và từ trường từ Mặt trời. CME gây ra bão Mặt trời tác động đến từ trường bảo vệ của Trái đất.
Nếu bão Mặt trời đủ mạnh để phá vỡ từ trường Trái đất, nó có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng điện và điện tử trên Trái đất và các vệ tinh ở trên. GPS, điện thoại di động, điện nằm trong diện bị ảnh hưởng.
Sự kiện bão Mặt trời lớn gần đây nhất, ảnh hưởng đến Trái đất diễn ra vào năm 2017 khi một tia lửa Mặt trời lớp X12.9 tấn công Trái đất. Hiện tượng này cũng gây ra sự cố mất điện và liên lạc trong thời gian ngắn, cũng như khiến các vệ tinh bị hư hỏng.
Các vụ nổ năng lượng Mặt trời là mối quan tâm của cộng đồng khoa học và thế giới vì chúng có thể ảnh hưởng đến liên lạc vô tuyến, lưới điện, tín hiệu điều hướng. Những vụ nổ này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe đối với các phi hành gia trên tàu vũ trụ do mức độ bức xạ tăng lên.
Ngọn lửa Mặt trời hôm 20-1 đủ mạnh để gây ra sự cố hạn chế liên lạc vô tuyến tần số cao, và mất liên lạc vô tuyến trong hàng chục phút ở một số khu vực nhất định, theo SWPC.