Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan dàn đội hình, phô diễn lực lượng trên Biển Đông hồi tháng 7-2020 - Ảnh: Hải quân Mỹ
"Trong những động thái chưa từng thấy nhằm ngăn chặn Trung Quốc, quân đội Mỹ đã liên tục triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay và nhiều vũ khí chiến lược khác tới Biển Đông trong năm 2020" - tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mở đầu bài viết hôm 12-3 về hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông.
Thời Báo Hoàn Cầu đưa ra bình luận trên khi họ dẫn lại báo cáo gần đây của Tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Đây là năm thứ 3 liên tiếp SCSPI công bố báo cáo về hoạt động quân sự Mỹ ở Biển Đông.
Theo SCSPI, trong năm 2020 Mỹ đã triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay, các nhóm tàu đổ bộ, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom B-52H và B-1B tới Biển Đông.
Xét về quy mô, số lượng và thời gian hoạt động, SCSPI cho biết các hoạt động quân sự của Mỹ trong năm 2020 diễn ra với cường độ cao khác thường so với các năm trước.
Chẳng hạn trong một động thái hiếm hoi vào tháng 7-2020, Mỹ 2 lần tổ chức tập trận với sự tham gia của 2 nhóm tàu sân bay chỉ trong vòng nửa tháng, theo SCSPI.
SCSPI cho biết Mỹ còn triển khai vài loại máy bay do thám, gồm máy bay tuần tra săn ngầm P-8A và máy bay trinh sát điện tử EP-3E tới Biển Đông gần 1.000 lần để do thám Trung Quốc. Mục tiêu chính trong các hoạt động do thám trên không gồm những khu vực nhạy cảm dọc bờ biển Trung Quốc, đặc biệt là các cơ sở quân sự quan trọng.
Ngoài ra, quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra hàng hải gần các thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông trong năm 2020, gồm 5 hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa và 4 hoạt động gần các thực thể mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Tàu Mỹ còn thực hiện 13 chuyến quá cảnh qua eo biển Đài Loan năm ngoái.
"Bộ tứ kim cương" bàn về "sự hung hăng" của Trung Quốc
Theo báo South China Morning Post, trong cuộc họp "bộ tứ kim cương" Mỹ - Nhật - Ấn - Úc ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước còn lại đã thảo luận về hành vi "hung hăng" và "áp bức" của Trung Quốc nhắm vào các thành viên của bộ tứ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng họ đã thảo luận việc Trung Quốc "áp bức Úc, quấy rối quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản) và hung hăng ở biên giới với Ấn Độ".
Bộ tứ kim cương tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ sự thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, các giá trị dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ... Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như đã được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".