Chuyến bay của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Minsk vì thông báo có bom ngày 23-5 - Ảnh: AFP
Theo nhà phân tích người Nga Petr Akopov, tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko một lần nữa lại khiến tất cả "ngỡ ngàng".
Chiều tối 23-5, lực lượng an ninh Belarus đã bắt công dân Roman Protasevich, 26 tuổi, trên một chuyến bay từ Athens (Hi Lạp) đến Vilnius (Lithuania) sau khi chuyến bay này phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay tại thủ đô Minsk của Belarus.
Ông Protasevich là cựu chủ biên kênh tin tức Telegram Nexta chuyên chỉ trích ông Lukashenko. Năm 2019, ông này chạy sang Ba Lan tị nạn và là người đứng ra điều phối phong trào biểu tình phản đối kết quả bầu cử Belarus năm 2020.
Ông Protasevich bị chính quyền Belarus khởi tố hình sự tội "tổ chức bạo động" và "kích động hận thù xã hội với chính quyền và cảnh sát".
Cùng với nhà sáng lập kênh Nexta Stepan Putilo, ông Protasevich bị đưa vào danh sách "các cá nhân tham gia hoạt động khủng bố".
Ông Protasevich không có ý định quay lại quê hương trong tương lai gần, vậy tại sao ông xuất hiện ở Minsk để bị bắt?
Nhận định với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, chuyên gia phân tích Akopov cho rằng vụ việc có bóng dáng của tình báo Belarus, mặc dù Minsk sẽ không công khai thừa nhận.
Được biết ông Protasevich bay từ Hi Lạp đến Lithuania ngang qua lãnh thổ Belarus. Nhưng khi đến gần biên giới Belarus - Lithuania, máy bay của Hãng Ryanair đã buộc phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Minsk với thông tin có bom trên khoang khách.
Theo một "phiên bản" đưa tin khác về sự việc, lý do máy bay quay đầu là do trên khoang xảy ra xung đột giữa một hành khách và phi hành đoàn.
Kênh Nexta cho biết "một nhóm đặc vụ Belarus đã ẩu đả với phi hành đoàn trên không, nằng nặc nói có thiết bị nổ trên máy bay".
Chuyện sau đó thì rõ ràng hơn. Theo lệnh của Tổng thống Lukashenko, một chiếc tiêm kích MiG-29 cất cánh hộ tống chiếc máy bay của Hãng Ryanair chở khách đến Minsk.
Tuy nhiên sau đó người ta không phát hiện quả bom nào, sau vài giờ kiểm tra, máy bay tiếp tục hành trình đến Vilnius nhưng không có hành khách Protasevich.
Phe đối lập Belarus lập tức lên tiếng phản ứng sự việc. Họ coi việc "bắt cóc một chiếc máy bay giữa trời" là "hành động khủng bố" và yêu cầu Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) "điều tra vụ việc và đưa ra biện pháp trừng phạt, có thể loại Belarus khỏi ICAO".
Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen - tuyên bố hành động bắt máy bay đáp xuống Minsk là "không thể chấp nhận, tất cả hành khách có quyền tiếp tục hành trình đến Vilnius trong an toàn".
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi các nước châu Âu "phải đồng lòng đáp trả (Belarus) cứng rắn".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố "Mỹ cực lực lên án hành động đổi hướng một chuyến bay giữa hai nước thành viên EU và việc bắt giữ nhà báo Raman Pratasevich ở Minsk. Chúng tôi yêu cầu thả ông ấy ngay lập tức".
Tổng thống Belarus Lukashenko cầm một khẩu AK47 bên tay trái trò chuyện với một cảnh sát chống bạo động hồi tháng 8-2020 - Ảnh: REUTERS
Theo nhà quan sát Akopov, phương Tây lại đang "áp dụng tiêu chuẩn kép" khi chỉ trích ông Lukashenko.
Ông Akopov nhắc lại vụ một chuyến bay khác khi đang trong hành trình Minsk - Istanbul cũng từng bị ép hạ cánh khẩn cấp xuống Kiev hồi năm 2020 để bắt giữ "một nhóm lính đánh thuê người Nga" ngay trước thềm bầu cử Belarus.
Nga tố vụ này do tình báo Ukraine và Mỹ (CIA) tiến hành.
"Không hiếm khi cơ quan tình báo các nước bắt máy bay hạ cánh khẩn để bắt giữ các cá nhân họ truy lùng. Các nước đã từng làm như vậy gồm Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran...", chuyên gia Akopov nhận xét.
Ngày 2-7-2013, Mỹ đã ra lệnh cho NATO chặn chuyên cơ của Tổng thống Bolivia Evo Morales khi máy bay đang ở Matxcơva vì nghi ông Evo Morale có ý định chở theo cựu nhân viên của CIA (Mỹ) Edward Snowden.
Theo đó, Pháp và Bồ Đào Nha đóng cửa không phận. Ông Morales phải hạ cánh xuống sân bay Vienna và bị cảnh sát Áo lục soát máy bay mà không cần hỏi han gì - ông Akopov tiếp tục phân tích.
Cũng theo nhà quan sát Nga, chính quyền Belarus không có ý định "ép ông Roman Protasevich vào con đường chết", Tổng thống Lukashenko chỉ muốn chứng minh cho phe đối lập ở hải ngoại, và cả đối thủ phương Tây rằng "cánh tay của ông đủ dài để bảo vệ đất nước".
Nhưng có một điều rõ ràng là vụ bắt giữ ông Protasevich sẽ dẫn đến những chỉ trích và áp lực lớn trong thời gian tới, không chỉ với Minsk mà còn cả đồng minh thân cận Matxcơva.