Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang nỗ lực chuyển đổi số trên các mặt hoạt động. Có thể thấy, một số cơ quan báo chí đã xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.
Những sản phẩm báo chí mới trên nhiều nền tảng khác nhau từ Web, Facebook đến Tiktok, YouTube, giúp nhiều tờ báo lớn của TP Hồ Chí Minh tăng mạnh tính tương tác với độc giả. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo trong tác nghiệp từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Dũng nhận định, các nỗ lực chuyển đổi số nêu trên đã góp phần giúp các cơ quan báo chí Thành phố dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh, trung thực, khách quan, không bị gián đoạn… Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ quan báo chí loay hoay với việc chuyển đổi số, nếu không kịp thời có những giải pháp từ nội lực cũng như hỗ trợ của Thành phố sẽ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, khán thính giả, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền, vị thế, chức năng định hướng dư luận.
Vì vậy, tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững” nhằm hướng đến mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá và khả thi về chuyển đổi số với các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới, góp phần nhìn rõ thực trạng và thách thức chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tọa đàm tạo cơ hội để báo chí và cơ quan quản lý trong lĩnh vực thông tin truyền thông có cơ hội đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số, từ đó tìm kiếm một số giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã ban hành Chương trình chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong chương trình này, Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh (DX Center) để giới thiệu các nền tảng hỗ trợ cơ quan báo chí trong chuyển đổi số cũng như nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng TP Hồ Chí Minh (SOC) để giúp các cơ quan báo chí giải quyết, khắc phục kịp thời khi gặp sự cố nghiêm trọng về an toàn thông tin.
“Trong thời gian tới, Sở TTTT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Thành phố chính sách hỗ trợ các cơ quan báo chí như hệ thống nền tảng dùng chung, chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí”, ông Lâm Đình Thắng nói.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhìn nhận quá trình chuyển đổi số đòi hỏi thay đổi về mặt tư duy từ người lãnh đạo cấp cao nhất cho đến phóng viên; không chỉ ở quá trình sản xuất nội dung mà thậm chí là toàn bộ hoạt động của một tòa soạn, kể cả hoạt động quản trị, kinh doanh… đều phải đi theo hướng chuyển đổi số thì mới gọi là quy trình chuyển đổi số thực sự.
Cùng quan điểm, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch HCA cho biết, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu của các cơ quan thông tấn, báo chí, mở ra khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi thông tin liên tục của thời đại, nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy.
Gợi mở thêm, ông Lê Quốc Minh đặt vấn đề, trong 2 năm nay, người ta nói đến công nghệ Extended Reality (XR), còn gọi là thực tế ảo mở rộng và mới nhất là Facebook giới thiệu tầm nhìn của Metaverse - vũ trụ ảo, nơi mọi người làm việc, vui chơi, học hỏi và kết nối với bạn bè, gia đình. Theo nhiều nghiên cứu, thế giới ảo này cũng như XR sẽ thành hiện thực trong 3-5 năm nữa.
“Khi thế giới phát triển theo hướng này, chúng ta sẽ không đọc báo, không xem tivi, không theo dõi nội dung số theo cách thức hiện nay; không sử dụng máy tính, không sử dụng điện thoại theo kiểu đang dùng... Với những sự thay đổi mang tính đột phá ấy, chúng ta chưa định hình được làm gì trong vòng 3-5 năm tới thì khá khó khăn cho các cơ quan báo chí”, ông Lê Quốc Minh dự báo.
Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ cũng đánh giá, xu hướng chuyển đổi số hiện tại bắt buộc lĩnh vực báo chí phải chuyển mình để lấy lại vị thế từ độc giả. Các mô hình chuyển đổi, công nghệ kỹ thuật số lên ngôi, nhu cầu trải nghiệm khác biệt, cá nhân hóa từ phía độc giả bắt buộc các tòa soạn phải thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cơ quan báo chí khai thác và sử dụng dữ liệu hiệu quả như số hóa dữ liệu báo chí; phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản V-IONE; số hóa quy trình vận hành nội bộ của tòa soạn và giải pháp Social Listening…
Tại tọa đàm, lãnh đạo một số cơ quan báo chí cũng đã trình bày các tham luận về nhiều vấn đề như: “Chuyển đổi để dẫn đầu” của ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; “Chuyển đổi số - Cần ngay cú hích tư duy” của báo Sài Gòn Giải Phóng; “Số hóa radio: Thay đổi tư duy và hành động” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh (VOH); “Về bảo vệ bản quyền” của báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh; “Chuyển đổi số tại báo Tuổi Trẻ - Những thách thức”; “Thách thức chuyển đổi số và những đề xuất từ thực tiễn” của báo Người Lao Động; “Kinh nghiệm chuyển đổi số” của báo Thanh Niên …
Ngay sau buổi tọa đàm, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh đã chính thức công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, chỉ định Ban chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà – Phó Trưởng Văn phòng đại diện báo Đầu tư tại TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm.
Đây là câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thứ 7 trực thuộc Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ gồm 30 thành viên là các phóng viên chuyên viết về lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số thuộc các cơ quan báo chí Thành phố và trung ương trên địa bàn thành phố được tổ chức hướng đến mục tiêu tạo không gian sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT - chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh thông qua hoạt động báo chí.
Giải báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh lần thứ I năm 2022 sẽ quy tụ các tác phẩm báo chí có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời, có hiệu ứng xã hội tốt với các nội dung chính:
- Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số;
-Thành tựu và những đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc tại TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập;
-Những phát hiện, góp ý về chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, sáng kiến khoa học của quá trình chuyển đổi số giúp ngành TTTT TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số;
-Những hoạt động tiêu biểu, những sự kiện nổi bật, những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động đã và đang cống hiến quên mình vì sự nghiệp phát triển ngành CNTT và chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh; công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong chuyển đổi số tại TP Hồ Chí Minh;
-Phát hiện, tôn vinh những cá nhân, đơn vị, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong việc nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số vào đời sống, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm công tác xã hội tốt tại TP Hồ Chí Minh...