Báo Anh: Washington không thể cung cấp đủ tên lửa đạn đạo cho Ukraine

1 năm trước 76
Chú thích ảnhCác binh sĩ Lục quân Mỹ thử nghiệm bắn đạn thật phiên bản đầu tiên của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân tại bãi thử tên lửa White Sands ở New Mexico, Mỹ ngày 14/12/2021. Ảnh: AP

Theo đài RT (Nga), trong bài viết hôm 20/8, tờ Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Mỹ không sản xuất đủ tên lửa đạn đạo chiến thuật, loại mà Ukraine đang yêu cầu, để “tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường”. 

Ngoài ra, nguồn tin của FT tiết lộ rằng Mỹ đang cân nhắc cung cấp loại vũ khí này cho Kiev vì điều đó có thể khiến xung đột với Nga leo thang hơn nữa.

Tờ báo Anh cũng dẫn lời một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu tên lửa đạn đạo chiến thuật có thể giúp Kiev đạt được bước đột phá lớn trên chiến trường hay không.

Ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corporation, nói với các phương tiện truyền thông rằng việc Ukraine kiên quyết muốn sở hữu các tên lửa tầm xa là không phù hợp. Vị chuyên gia này nhấn mạnh những tên lửa này không thể tạo ra phép màu vì chúng khó có thể xử lý những bãi mìn và tuyến phòng thủ kiên cố của Nga mà lực lượng Kiev đang phải đối mặt.

Dẫn lời một số quan chức Mỹ, FT cũng cảnh báo rằng mức độ viện trợ quân sự của Mỹ có thể bị thu hẹp khi cuộc bầu cử Tổng thống 2024 sắp tới gần. Trong đó, giới chức nhấn mạnh khả năng tái đắc cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump làm tăng thêm một lớp bất ổn khác. Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần cam kết chấm dứt xung đột ngay khi nhậm chức.

Trong khi đó, tại Đức - một quốc gia khác mà Kiev đã yêu cầu cung cấp tên lửa tầm xa - cuộc khảo sát do ARD-DeutschlandTrend công bố hôm 18/8 cho thấy 52% số người được hỏi kiên quyết phản đối và 36% ủng hộ việc chuyển giao loại vũ khí này.

Cho đến nay, các quan chức hàng đầu của Đức, bao gồm cả Thủ tướng Olaf Scholz, vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 500 km.

Hồi tháng 5, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình Storm Shadow với tầm bắn hơn 250 km.

Pháp cũng đã đưa ra động thái tương tự vào tháng trước, cung cấp cho Ukraine phiên bản Storm Shadow nội địa hóa mang tên SCALP.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây không gửi vũ khí tới Ukraine vì điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và đẩy họ lún sâu vào “cuộc chiến ủy nhiệm” chống lại Nga.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc Pháp cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine là một “sai lầm”. Ông nói rằng Ukraine sẽ phải đối mặt với hậu quả vì Nga sẽ có biện pháp đáp trả.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo việc NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine khiến nguy cơ Thế chiến 3 đến gần hơn.

“Sự điên cuồng của phương Tây hoàn toàn không dẫn đến điều gì khác ngoài ngõ cụt. Thế chiến 3 đang đến gần”, ông Medvedev nói và tuyên bố nỗ lực viện trợ của NATO không thể ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu ở Ukraine.

Nguồn bài viết