Bác sĩ Trần Anh Tú: Xung phong vào điểm nóng, truy COVID-19

3 năm trước 286
 Xung phong vào điểm nóng, truy COVID-19 - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Anh Tú (ngồi) là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 - Ảnh: A.T.

"Bất kể là lực lượng công an, quân đội hay y tế, ai cũng có việc của mình, sẵn sàng đến những nơi hiểm nguy, tham gia vào những vấn đề nóng. Đó cũng là lý do mình đến những điểm dịch như thế.

Bác sĩ Trần Anh Tú

"Đi từ rằm tháng chạp đến nay, tôi không về tết vì thời điểm đó dịch ở tỉnh này rất nóng".

Vừa từ Hải Dương về, bác sĩ Trần Anh Tú (32 tuổi) - cán bộ khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - chia sẻ khi vẫn đang còn cách ly y tế sau chuyến công tác dài ngày.

Truy vết thần tốc

Đầu năm 2020, Việt Nam phát hiện những ca đầu tiên nhiễm COVID-19. Ngay lập tức, bác sĩ, nhân viên y tế xông pha vào mặt trận chống dịch. Trên mặt trận ấy, còn có sự góp sức của những bước chân thầm lặng, thần tốc truy vết dịch tễ.

Bắt đầu từ tâm dịch của cả nước ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), bác sĩ Tú tình nguyện vào tổ công tác phòng chống dịch, khoanh vùng dịch tễ hơn 10.000 người nơi đây. Đến tháng 4-2020, anh trực tiếp tham gia điều tra, hỗ trợ chống dịch tại Mê Linh (Hà Nội).

Từ Bắc anh lại xung phong vào Đà Nẵng, tham gia đội điều tra giám sát dịch thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Và mới đây là tròn 1 tháng anh tiếp tục nhận nhiệm vụ "xuyên tết" tại vùng dịch Hải Dương.

Suốt một năm trời, điểm nóng nào anh cũng có mặt, truy vết dịch tễ, rà từng đối tượng, không để lọt "F1, F2". Dịch bệnh xảy ra nhanh, không có thời gian cho những vị trí mới làm quen công việc mà đòi hỏi phải có kinh nghiệm dịch tễ học, bác sĩ Tú cùng cán bộ, nhân viên rất vất vả, căng mình truy vết. Mọi người "đi từng nhà, rà từng ngõ", làm việc liên tục bất kể ngày đêm. Số lượng bệnh nhân tăng lên, công tác truy vết càng khó hơn gấp bội.

Anh kể may mắn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên truy vết dịch tễ, sinh viên tham gia vào công tác phòng chống dịch, thu thập thông tin ban đầu để có thể định hướng, tập trung vào những trường hợp cần phải phân tích sâu. Đặc biệt là sự hỗ trợ của tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại đã kịp thời cung cấp những nội dung về dịch tễ quý giá.

"Có trường hợp bệnh nhân không nhớ đầy đủ, có người cố tình không khai báo, những lúc đó rất may nhờ tổ thông tin giúp đỡ nhiệt tình nên việc chống dịch mới hiệu quả", anh nhớ lại.

Quần áo bảo hộ thay "blouse trắng"

7 năm tham gia công việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bên cạnh áp dụng kinh nghiệm của người đi trước, bác sĩ Tú còn tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn, nhờ đó tiết kiệm sức lực cho đội ngũ, giúp công tác truy vết nhanh chóng.

"Hễ dịch bệnh xảy ra là nhận lệnh lên đường ngay. Lần nào đi cũng chỉ kịp gấp mấy bộ đồ, vật dụng cá nhân thôi. Giờ vợ con đã quen với việc tôi vắng nhà thường xuyên, với lại có nhiều phương tiện liên lạc hơn trước nên gia đình bớt lo. Công tác xa nhà cũng nhớ đấy, nhưng việc vẫn phải hoàn thành tốt mới được", anh chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, anh chọn gắn bó với công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Bác sĩ Tú tâm niệm đó là đam mê, chọn lựa ngay từ đầu. Cũng bởi Việt Nam là nước nhiệt đới, do đó đối tượng dịch tễ học chủ yếu là các bệnh truyền nhiễm, từ dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và mới đây là dịch COVID-19... Thực tế này đòi hỏi sự tham gia đông đảo của cán bộ y tế dự phòng dịch tễ, các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm.

Anh bật mí công việc của mình ít khi khoác "blouse trắng", hầu hết là mặc quần áo bảo hộ, trang thiết bị đầy đủ, có khi là chiếc áo phông để dễ dàng cơ động lúc làm nhiệm vụ. Bác sĩ trẻ cho rằng chính tình yêu nghề giúp anh vượt qua khó khăn, cẩn trọng hơn trong từng việc nhỏ nhất để bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm trong cộng đồng.

"Ngoài bệnh lây nhiễm thì còn những bệnh không lây nhiễm hay vấn đề về môi trường, chúng tôi cũng thực hiện. Nói cách khác là tham gia giải quyết chuyện chung của cộng đồng", anh giãi bày.

Trước đó, anh trực tiếp xây dựng đề cương, thiết kế bộ công cụ, tập huấn, giám sát điều tra và lấy mẫu trong hoạt động điều tra quốc gia ước tính tỉ lệ nhiễm virút viêm gan B và virút viêm gan C trong nhóm người trưởng thành tại khu vực miền Bắc; tham gia thiết kế và xây dựng văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp ở khu vực này.

Bác sĩ Trần Anh Tú vừa xuất sắc là một trong 10 điển hình đoạt giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, giải thưởng "Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi" do Trung ương Đoàn trao tặng; nhận bằng khen của Bộ Khoa học công nghệ và danh hiệu Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Điều dưỡng trẻ Bình Định xung phong đi Đà Nẵng bởi Điều dưỡng trẻ Bình Định xung phong đi Đà Nẵng bởi 'cha tôi từng là người lính'

TTO - Đáp lại lời kêu gọi của Đà Nẵng, 25 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên ngành y của Bình Định đã sẵn sàng ra ‘chiến tuyến" chống dịch.

Nguồn bài viết