Bài học từ bóng đá Anh

2 năm trước 177
Bài học từ bóng đá Anh - Ảnh 1.

Hình ảnh đầy ám ảnh khi các CĐV bị đẩy sát vào hàng rào trước khi thảm kịch xảy ra ở sân Hillsborough - Ảnh: API

Những thảm kịch chết người hàng loạt trên sân bóng thường có xuất phát điểm là sự quá khích của các cổ động viên (CĐV).

Cụm từ "thảm kịch" không hề xa lạ với làng bóng đá đỉnh cao. Trước khi xảy ra vụ bạo loạn khiến 125 người chết ở sân Kanjuruhan (Indonesia) vào ngày 1-10, lịch sử môn thể thao vua từng chứng kiến tổng cộng 20 thảm kịch gây thương vong hàng loạt trong sân bóng với tổng số người thiệt mạng lên đến 1.363 người.

Trong danh sách dài những vụ việc đáng quên đó, Vương quốc Anh chiếm một số lượng đáng kể với ba lần xảy ra tại Anh (ở Bolton năm 1946, Bradford năm 1985 và Sheffield - thảm họa Hillsborough - năm 1989) và hai lần ở Scotland. 

Ngoài ra, "thảm họa Heysel" tại Brussels (Bỉ) năm 1985 cũng liên quan các CĐV Anh - khi diễn ra trước thềm trận chung kết Cúp châu Âu giữa Liverpool và Juventus.

Nước Anh cũng là nơi khai sinh ra khái niệm "hooligan" (CĐV quá khích). Nhưng hooligan không phải là nguyên nhân duy nhất. Sau thảm họa Heysel năm 1985, cuộc điều tra ban đầu hoàn toàn quy trách nhiệm cho các CĐV Liverpool khi họ là những người chủ động trèo qua hàng rào ngăn cách giữa hai khu CĐV, dẫn đến một bức tường bị đổ sập.

Nhưng rồi càng về sau, trách nhiệm của UEFA trong vụ việc càng bị khơi ra. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy đã có tình trạng tuồn vé ra ngoài (cho nhiều CĐV Juventus), dẫn đến sự bất mãn của người hâm mộ Liverpool. Bản thân sân bóng Heysel khi đó cũng rất xuống cấp, và phía ban tổ chức không có kế hoạch đối phó tình trạng bạo loạn.

Bốn năm sau thảm họa Heysel, bi kịch tại Hillsborough một lần nữa khiến làng bóng đá Anh chìm trong tang tóc. Một góc khán đài đã đổ sập vì tình trạng CĐV chen lấn, dẫn đến 96 người thiệt mạng (đều là CĐV Liverpool) và 700 người bị thương. 

Vụ việc khiến người hâm mộ Liverpool nhiều năm trời phải sống trong bóng tối mặc cảm, trước khi họ được minh oan vào năm 2012.

Tập tài liệu hơn 400.000 trang liên quan đến vụ việc được công bố cho thấy chất lượng xây dựng tồi, khả năng ứng phó kém cỏi của cảnh sát mới là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa. Đích thân thủ tướng Anh khi đó là ông David Cameron đã lên tiếng xin lỗi gia đình 96 nạn nhân và minh oan cho cộng đồng người hâm mộ "lữ đoàn đỏ".

Và thảm họa Hillsborough trở thành bi kịch cuối cùng của bóng đá Anh. Hơn ba thập niên sau, số hooligan ở Anh không thuyên giảm. Tuy vậy, sự quản lý chặt chẽ của giới an ninh khiến những cuộc bạo động, xô xát của các CĐV đôi lúc còn xảy ra nhưng luôn có giới hạn chừng mực.

Bản thân bóng đá Anh và UEFA cũng đã trải qua những cuộc cách mạng vĩ đại. Tiêu chuẩn về các sân vận động được xem xét kỹ lưỡng, tình trạng an ninh được cải thiện và văn minh trên sân bóng ngày càng được nâng cao. Bóng đá châu Âu nói chung và Anh nói riêng giờ đây trở thành tiêu chuẩn cho cả thế giới.

Bài học nhìn nhận trách nhiệm và sửa sai của người Anh, của UEFA là điều mà các nền bóng đá xung quanh cần nhìn vào.

Indonesia Indonesia 'đính chính' số người chết vụ bạo loạn từ 174 xuống 125

TTO - Ngày 2-10, giới chức trách Indonesia đính chính số người chết trong vụ giẫm đạp tại sân vận động ở Đông Java là khoảng 125 người, không phải 174 người như một số thông tin ban đầu.

Nguồn bài viết