Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ đầu tiên

1 tuần trước 9
Chú thích ảnhThu hoạch sầu riêng tại Hợp tác xã sầu riêng Liên Đức, xã Xà Bang (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu).

Vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức có quy mô vùng 449,92 ha, với 467 hộ sản xuất kinh doanh sầu riêng của Hợp tác xã sầu riêng Liên Đức tại các xã Kim Long, Láng Lớn, Xà Bang của huyện Châu Đức.

Vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức đáp ứng được các yêu cầu: tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị sầu riêng trong vùng, tổ chức đầu mối là hai hợp tác xã gồm Hợp tác xã sầu riêng Liên Đức và Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê.

Sầu riêng là sản phẩm chủ lực của tỉnh với 90% diện tích trong vùng là giống sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh. Sầu riêng được sản xuất 100% cam kết sản xuất an toàn và cam kết tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Trong vùng đã có 9,8 ha sản xuất đã chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; 32,3% diện tích đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường nước này; sản phẩm trái sầu riêng tươi của Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Sầu riêng sản xuất theo quy trình thâm canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản xuất thông thường. Các hộ canh tác theo quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng quy trình canh tác bền vững với các công nghệ áp dụng như: Quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại cây trồng (ICM) trong quản lý sản xuất và Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ dịch hại…

Vùng sản xuất sầu riêng phù hợp phát triển tổng thể nông nghiệp của địa phương; phù hợp với quy hoạch vùng chuyên canh hàng hóa theo Quyết định số 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, có quy hoạch 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có phê duyệt “vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao” huyện Châu Đức; phù hợp định hướng phát triển của Đề án số 04-ĐA/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn bài viết