Bloomberg: Evergrande vỡ nợ, khởi đầu sự sụp đổ của một đế chế bất động sản Trung Quốc

2 năm trước 421
 Evergrande vỡ nợ, khởi đầu sự sụp đổ của một đế chế bất động sản Trung Quốc - Ảnh 1.

Tập đoàn China Evergrande Group - Ảnh: REUTERS

Ngày 9-12, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ xếp hạng của Evergrande xuống mức “vỡ nợ giới hạn - restricted default” do không thể trả lãi kịp 2 lô trái phiếu đáo hạn ngày 6-11 và ân hạn đến 6-12.

Fitch cho biết Evergrande đã không phản hồi yêu cầu xác nhận về các khoản trả lãi trên từ hãng. Vì thế, Fitch đã kết luận rằng các khoản lãi này vẫn chưa được thanh toán.

Theo Hãng tin Bloomberg, đây có thể là khởi đầu cho sự sụp đổ của Evergrande - đế chế bất động sản khổng lồ do tỉ phú Hui Ka Yan xây dựng từ cách đây 25 năm.

Số phận của Evergrande cũng sẽ là thách thức lớn đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cuộc khủng hoảng nợ trong thị trường bất động sản lan ra các mảng khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Nếu Chính phủ Trung Quốc không giải cứu Evergrande, các trái chủ đang sở hữu 19,2 tỉ USD trái phiếu niêm yết bằng USD của hãng chịu thiệt hại lớn. Evergrande đang nắm giữ khối nợ hơn 300 tỉ USD.

Hãng tin AFP đánh giá tình hình bất ổn của Evergrande kéo theo sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu. Bất động sản vốn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh sẽ ngăn chặn tình huống xấu nhất, thay vào đó là để tập đoàn này "sụp đổ trong tầm kiểm soát".

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ngay sau khi Evergrande thừa nhận có thể mất khả năng thanh toán nợ, chính quyền Quảng Châu (Trung Quốc) - nơi tập đoàn này đặt trụ sở - đã triệu tập chủ tịch Xu Jiayin của Evergrande và thông báo sẽ cử nhóm làm việc đến hãng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là tín hiệu cho thấy Evergrande chính thức bắt đầu công tác tái cấu trúc nợ. Sự kiện vỡ nợ ngày 9-12 có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình này.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande bắt đầu hồi tháng 6 năm nay, ít nhất 11 công ty bất động sản khác của Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu.

Tập đoàn bất động sản Kaisa của Trung Quốc cũng bị Fitch hạ đánh giá cùng ngày với Evergrande. Công ty này đã ngừng giao dịch cổ phiếu tại sàn chứng khoán Hong Kong từ ngày 8-12.

Ngoài Evergrande, Chính phủ Trung Quốc cũng đang phải can thiệp vào nhiều công ty ngập đầu trong nợ khác, đặc biệt là Tập đoàn hàng không HNA Group.

Theo AFP, dù cho bất cứ điều gì xảy ra với Evergrande sắp tới, nỗ lực siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh cũng đã gây ra tác động lớn đến ngành bất động sản của Trung Quốc.

Giới đầu tư hiện đang bất an về sức khỏe tài chính của các công ty chủ chốt ở quốc gia này. Cả doanh số bán nhà và giá nhà tại đây đều đã đi xuống.

Trung Quốc yêu cầu người sáng lập Evergrande lấy tài sản cá nhân để trả nợTrung Quốc yêu cầu người sáng lập Evergrande lấy tài sản cá nhân để trả nợ

TTO - Trung Quốc đã yêu cầu tỉ phú sáng lập Tập đoàn Evergrande (Hằng Đại), ông Hui Ka Yan, lấy tài sản cá nhân của mình để giải quyết khủng hoảng nợ trầm trọng của tập đoàn bất động sản này.

Nguồn bài viết