Các bạn sinh viên trên chuyến xe di chuyển đến quận Gò Vấp thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại TP.HCM chiều tối 1-7 sau vài tiếng có mặt ở đây - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đó là chia sẻ của thầy Trần Quang Hữu - phó trưởng đoàn về tinh thần tình nguyện chống dịch như đánh giặc của các sinh viên, giảng viên trong "biệt đội" chống dịch COVID-19 đặc biệt của Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương (thuộc Bộ Y tế).
Đây là lần đầu tiên thầy Hữu cũng như hầu hết các sinh viên trong đội hình đặt chân đến TP.HCM.
Gọi là đội hình đặc biệt bởi hầu hết các thành viên trong đội hình này đã có mặt ở hầu hết các "tâm dịch" trước đó: Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh. Lần này, họ vượt gần 1.500km từ Hải Dương đến TP.HCM khi dịch đang bùng phát ở đô thị lớn nhất phía Nam và đang rất cần chi viện của cả nước.
"Nhận được thông tin phát động từ Bộ Y tế, chúng tôi đã làm tất cả các công tác từ tuyển quân cho đến chuẩn bị tư trang, sắp xếp di chuyển chỉ trong vòng một buổi chiều và có mặt ở sân bay lúc 3 giờ rưỡi sáng bay vào TP.HCM", trưởng đoàn Ngụy Đình Hoàn cho biết.
Vị trưởng đoàn này cũng bám đoàn từ những ngày trước Tết âm lịch, theo đội hình từ quê nhà Hải Dương đến Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM.
Phần lớn sinh viên trong đội hình là sinh viên năm thứ 3, 4, 5 đang học các ngành xét nghiệm, điều dưỡng, đa khoa... Vài tiếng sau khi có mặt tại TP.HCM, đội đã nhận nhiệm vụ đầu tiên tại quận Gò Vấp vào chiều 1-7, tham gia xét nghiệm cho hàng ngàn người dân tại đây.
Nguyễn Thế Trọng (sinh năm 2000, Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương), một trong 318 sinh viên có mặt trong đội hình lần này, tâm sự việc tham gia vào công tác tầm soát dịch COVID-19 ở các tỉnh dù có nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng đã mang lại nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm quý cho bản thân.
Theo Trọng, qua nhiều lần tham gia chống dịch tại Hải Dương và Bắc Giang, Bắc Ninh, các thành viên hầu như đều đã rất tự tin trong các khâu để đảm bảo sao cho việc lấy mẫu xét nghiệm cho người dân được chính xác, an toàn nhất.
"Dù đã thuần thục tuy nhiên tôi và mọi người vẫn luôn động viên nhau phải thật tỉ mỉ, đúng chuẩn quy trình để sao cho kết quả đưa ra là đúng nhất" - Trọng nói thêm.
Chuyến "du hành" đầu tiên trên đường phố Sài Gòn bằng một chiếc xe "tăng bo" đặc biệt tới các điểm xét nghiệm trên địa bàn quận Gò Vấp - Ảnh: VŨ THỦY
Nhận phân công nhiệm vụ trước khi vào vị trí lấy mẫu. Bốn cô gái Oanh, Linh, Hương, Hằng đều 21 tuổi và đều học cùng lớp. Oanh, Linh, Hằng đã ở chung phòng với nhau tại một trường tiểu học khi tham gia chống dịch tại Bắc Giang. Lần này các cô gái lại chung phòng, chung đội tại TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Buổi chiều trời vẫn còn rất oi nồng nhưng các bạn tình nguyện viên sẽ phải trải qua lần làm việc đầu tiên từ 6 giờ chiều đến khoảng 11 giờ đêm tại các điểm lấy mẫu ở Gò Vấp - Ảnh: VŨ THỦY
Với việc tham gia hoạt động chống dịch tại hàng loạt điểm nóng trong hơn nửa năm qua, các thành viên đều đã có kinh nghiệm trong các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Các sinh viên chia sẻ rằng gia đình các bạn mặc dù lo lắng nhưng cũng luôn động viên các bạn. Nhiều bạn đã không về nhà trong nhiều tháng qua - Ảnh: VŨ THỦY
Giảng viên trẻ Trần Quang Hữu - phó trưởng đoàn - dặn dò sinh viên trước khi các bạn tình nguyện viên tỏa ra các điểm xét nghiệm khác nhau tại Gò Vấp. Thầy cho biết những ngày đầu tiên ở Bắc Giang, thầy luôn phải nói đến khan tiếng để chuẩn bị kỹ nhất cho sinh viên khi tham gia các hoạt động xét nghiệm - Ảnh: VŨ THỦY
Hơn 90 là tổng số ngày mà chàng sinh viên năm 3 Phạm Quốc Võ (ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương) đã tham gia vào công tác lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, truy vết các ca lây nhiễm tại Hải Dương rồi tới Bắc Giang.
Đó cũng là số ngày tham gia đội hình chống dịch của hầu hết các thành viên trong đội. Và con số đó sẽ còn tăng khi giờ đây Võ cùng với hơn 300 giảng viên, sinh viên trường mình đang chuẩn bị cho chuỗi ngày "chiến đấu" cùng COVID-19 tại TP.HCM.
"Vì miền Nam ruột thịt nên khi nghe được thông tin là tôi đăng ký ngay. Dù sao thì mình cũng là sinh viên ngành y, có chút ít đỉnh kiến thức, kinh nghiệm trong việc này rồi" - Võ chia sẻ.