Biến thể A.30 có các đột biến giúp nó có thể tránh được các kháng thể - Ảnh: MSN
Ngày 28-10, tạp chí Newsweek dẫn kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đăng ngày 25-10 trên tạp chí Nature Molecular and Cellular Immunology của nhóm các nhà khoa học Đức cảnh báo biến thể A.30 có thể kháng vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và AstraZeneca.
Theo nghiên cứu, biến thể này có các đột biến trên gai protein khiến nó có thể xâm nhập hầu hết tế bào vật chủ, gồm các tế bào thận, gan, phổi và tránh được các kháng thể do vắc xin tạo ra.
Biến thể A.30 không phải mới và trong vài tháng qua đã không còn phát hiện ca mắc nào. Các trường hợp gần nhất nhiễm biến thể nghi có nguồn gốc từ châu Phi này được ghi nhận vào tháng 5 và 6 năm nay.
Theo hệ thống dữ liệu theo dõi biến thể virus SARS-CoV-2 GISAID, chỉ có 5 trường hợp nhiễm biến thể A.30 trên thế giới, trong đó 3 trường hợp tại Thụy Điển, 1 tại Angola và 1 tại Anh. Nó cũng không nằm trong danh sách biến thể đáng lo ngại của Tổ chức Y tế thế giới.
Giới khoa học thế giới đánh giá biến thể A.30 hiện không lây lan ở mức độ toàn cầu. "Nó có thể đã tuyệt chủng", chuyên gia về miễn dịch Jeremy Kamil của Đại học Bang Louisiana, Mỹ, đánh giá.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người Đức Markus Hoffmann thuộc nhóm nghiên cứu biến thể A.30 cho rằng điều ông lo ngại là nó có thể chưa được phát hiện tại những nơi có năng lực xét nghiệm hạn chế.
"Việc thiếu khả năng theo dõi đúng mức ở nhiều nước châu Phi có thể dẫn đến khả năng biến thể A.30 lây lan trong cộng đồng và chỉ thỉnh thoảng được phát hiện khi các du khách từng đến đây bị mắc bệnh và được xét nghiệm ở những nước có năng lực xét nghiệm hiệu quả hơn" - ông Hoffmann nói.
Ông cũng nói rằng nghiên cứu không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả và khẳng định đây vẫn là biện pháp tốt nhất để chống lại dịch COVID-19.