Một người dân New York đeo khẩu trang đi ngang qua xe xét nghiệm COVID-19 lưu động đậu tại một công viên của thành phố - Ảnh: REUTERS
Hôm 27-7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) khuyến nghị người Mỹ đã tiêm đủ vắc xin nên đeo khẩu trang tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Lời khuyên lập tức gây tranh cãi ồn ào, khiến ít người nhận ra CDC còn đưa ra một khuyến cáo đáng chú ý khác, theo báo New York Times.
Vắc xin không ngăn được lây nhiễm...
Theo CDC, những người đã tiêm đủ vắc xin nên xét nghiệm từ 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19, ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu dương tính, người nhiễm nên tự cách ly trong vòng 10 ngày và tuân theo các hướng dẫn y tế, theo dõi sức khỏe.
Trước đó, cũng chính CDC tuyên bố người đã tiêm đủ vắc xin không cần xét nghiệm nếu phơi nhiễm COVID-19.
Khuyến nghị mới của CDC phản ánh thực trạng giới y tế một số nước đang dần nhận ra: tình trạng nhiễm đột phá (đã tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm bệnh) bởi biến thể Delta.
Chủng Delta (được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ) đã trở thành biến thể thống trị toàn cầu và lấn lướt biến thể Alpha ghi nhận đầu tiên tại Anh.
Bà Rochelle P. Walensky, người đứng đầu CDC, thừa nhận những khuyến nghị mới được đưa ra sau khi có dữ liệu cho thấy người đã tiêm đủ vắc xin và nhiễm biến thể Delta có tải lượng virus tương đương người chưa tiêm.
"Dù hiếm gặp, những ca nhiễm đột phá vì biến thể Delta vẫn có thể lây nhiễm cho người khác tương đương nguy cơ lây nhiễm ở người chưa được tiêm vắc xin.
Tôi cần mọi người hiểu rằng họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác, ngay cả khi đã tiêm chủng. Do đó, tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đáng kể, tôi đề nghị mọi người đeo khẩu trang", bà Walensky kêu gọi hôm 27-7.
CDC cũng khuyến cáo người đã tiêm vắc xin, dù ở khu vực nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc cao, cũng cần phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ dưới 12 tuổi, nhóm hiện chưa được tiêm phòng.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times ngày 29-7, bà Walensky cho biết các ca nhiễm đột phá biến thể Delta có lượng virus lớn "trong mũi và cổ họng". CDC được kỳ vọng sẽ công bố dữ liệu mới về biến thể này trong ngày 30-7 hoặc đầu tháng 8.
Các ca nhiễm đột phá không phải là hiếm tại Mỹ, theo nhật báo Wall Street Journal. Số liệu của CDC từ ngày 1-1 năm nay đến ngày 30-4 cho thấy có hơn 10.200 ca nhiễm đột phá. Trong số này có 2.725 (27%) ca không có triệu chứng, 995 (10%) bệnh nhân phải nhập viện và 160 (2%) bệnh nhân tử vong nằm trong độ tuổi 71 - 89.
Vào thời điểm đó, số người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc xin là khoảng 100 triệu người và Alpha vẫn là biến thể chiếm đa số các ca mắc.
CDC ngừng đếm các ca nhiễm đột phá từ ngày 1-5 và chỉ theo dõi các ca nhiễm đột phá phải nhập viện hoặc tử vong. Quyết định này đang bị một số nhà khoa học chỉ trích là sai lầm vì không đánh giá được mô hình, cách thức lây nhiễm của biến thể Delta ở nhóm đã tiêm chủng.
Nhân viên y tế trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 của một bệnh viện tại bang Utah, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Nhưng giảm được ca tử vong và bệnh nặng!
Lo lắng chủ yếu hiện nay đối với biến thể Delta là khả năng lây lan nhanh chóng của nó khiến nhóm chưa được tiêm chủng gặp nguy cơ lớn, đặc biệt là người già, nhóm có bệnh nền và trẻ dưới 12 tuổi.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những người bị nhiễm biến thể Delta mang lượng virus trong mũi nhiều hơn 1.000 lần so với chủng gốc được xác định lần đầu ở Vũ Hán vào năm 2019.
Nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ) lưu ý biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha.
Tại Israel, hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech trong việc ngăn chặn lây nhiễm đã giảm xuống còn 39%, theo số liệu được công bố hôm 22-7.
Nguyên nhân được cho là do sự xuất hiện của biến thể Delta. Hiệu quả bảo vệ giảm lần lượt từ mức cao nhất là 94,3% (đo từ ngày 2-5 đến 5-6) xuống 64% (từ ngày 6-6 đến 3-7). Số liệu công bố ngày 22-7 được đo trong giai đoạn từ ngày 22-6 đến 17-7.
Mặc dù không bảo vệ được 100% người đã tiêm (điều mà giới khoa học đã dự báo từ trước), các số liệu hiện tại cho thấy vắc xin vẫn hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh trở nặng.
97% ca mắc COVID-19 nặng tại Mỹ là những người chưa được tiêm chủng, theo Hãng tin Reuters.
Tại Singapore, nơi biến thể Delta đang hoành hành, 3/4 ca mắc COVID-19 mới là những người đã được tiêm chủng nhưng không có ca nào trở nặng. Hiệu quả bảo vệ các ca nhập viện và trở nặng ở Israel lần lượt là 88% và hơn 91%, theo Reuters và Tân Hoa xã.
Giáo sư Carlos del Rio thuộc Đại học Emory (Mỹ) nhận định con người đã bị những loại vắc xin hiệu quả cao "làm cho hư hỏng".
"Khi vắc xin được phát triển, không ai đặt mục tiêu ngăn chặn lây nhiễm cả. Mục đích là để giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng và dẫn tới tử vong", ông del Rio giải thích.
Như vậy, mặc dù vắc xin không phải là viên đạn bạc có thể giải quyết mọi vấn đề (bao gồm tình trạng lây nhiễm), nó vẫn có thể ngăn chặn người mắc phát triển các triệu chứng nặng dẫn tới tử vong.
Hiện nay đã có một số loại thuốc đặc trị COVID-19 được phát triển và có kết quả bước đầu đầy hứa hẹn. Việc kết hợp giữa vắc xin và thuốc đặc trị được kỳ vọng sẽ giúp kéo giảm tối đa các trường hợp tử vong, giảm áp lực điều trị các ca nặng cho hệ thống y tế.
Tuy nhiên trước mắt giới chức Mỹ vẫn đang đau đầu với việc nhiều người chưa đi tiêm vắc xin. Việc truyền thông Mỹ liên tục đăng tải các thông tin về hậu quả của việc không tiêm vắc xin và những lợi ích của vắc xin nằm trong nỗ lực vận động tiêm phòng.
Chính quyền Mỹ trong khi đó đã bắt đầu có các biện pháp mạnh, bao gồm việc yêu cầu các công chức liên bang (khoảng 2,1 triệu người) và hàng triệu nhân viên hợp đồng trong các cơ quan liên bang chứng minh đã tiêm vắc xin.