Biến thể AY.4.2 dễ lây hơn Delta nguy hiểm cỡ nào?

3 năm trước 288
Biến thể AY.4.2 dễ lây hơn Delta nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 1.

Virus SARS-CoV-2 với các protein gai (màu đỏ) - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Mặc dù Delta vẫn là biến thể chiếm ưu thế tại nhiều nước, số ca mắc AY.4.2 đang tăng lên nhanh chóng, chủ yếu tại Anh. Những nơi khác ghi nhận số ca nhiễm AY.4.2 rất ít, trong đó có Mỹ.

Dễ lây hơn chủng Delta

Cho đến nay, chúng ta đã biết AY.4.2 dễ lây hơn chủng Delta gốc khoảng 10-15%, chứa đột biến A222V và Y145H có khả năng xâm nhập được vào tế bào.

Theo kênh CNBC, các đột biến trên cũng được tìm thấy ở một số biến thể khác của virus SARS-CoV-2 nhưng không thấy ở các biến thể đáng quan tâm hiện nay.

Theo trang The Conversation, vẫn chưa rõ liệu hai đột biến nói trên có mang lại lợi thế chọn lọc cho virus hay không. A222V từng được phát hiện trên biến thể B.1.177 - xuất hiện lần đầu tại Tây Ban Nha hồi hè năm ngoái, trước khi lan rộng khắp khu vực phía bắc châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều người bắt đầu quan tâm đến AY.4.2 khi đột biến A222V kết hợp với Y145H. Đột biến Y145H có thể giúp virus có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn chủng Delta, bằng cách làm cho kháng thể khó nhận diện virus hơn.

AY.4.2 là một trong 45 biến thể phụ của chủng Delta. Tất cả biến thể phụ của Delta được gọi chung là Delta Plus.

Theo Đài BBC, các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn mức độ đe dọa của biến thể mới nêu trên. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng AY.4.2 không có khả năng gây ảnh hưởng lớn như biến thể Alpha và Delta, cũng như không có khả năng kháng các vắc xin hiện tại.

Theo trang health.com, Cơ quan an ninh y tế Vương quốc Anh đang theo dõi sát AY.4.2, sau khi ghi nhận AY.4.2 chiếm khoảng 6% ca mắc mới và đang tăng dần tại nước này.

Trong khi đó tại Mỹ, danh sách theo dõi các biến thể của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) liệt kê các biến thể Delta AY.1 và AY.2 song không đặc biệt đề cập đến AY.4 hay AY.4.2. Cho đến nay, chủng Delta gốc vẫn đang chiếm 99,9% số ca mắc mới ở Mỹ.

Theo Hãng tin AP, ngày 25-10, Bộ Y tế Israel cho biết biến thể phụ AY.4.2 dễ lây lan hơn chủng Delta khoảng 15% song không gây chết người hơn hay kháng vắc xin COVID-19. Tới nay, Israel ghi nhận 6 ca mắc biến thể phụ này, tất cả đều là người về từ nước ngoài.

Chuyên gia nói gì?

Ông Scott Gottlieb - cựu ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ - thừa nhận hiện giới nghiên cứu không có nhiều thông tin về các biến thể phụ của chủng Delta.

Ông William Schaffner - chuyên gia bệnh truyền nhiễm, giáo sư tại Trường Y ĐH Vanderbilt (Mỹ) - cho biết virus luôn đột biến, và SARS-CoV-2 cũng không ngoại lệ.

"Chúng ta sẽ thường xuyên thấy các biến thể xuất hiện. Tuy nhiên, không nhất thiết chúng sẽ vượt qua chủng Delta gốc", ông Schaffner nói.

Tiến sĩ Amesh Adalja - học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh sức khỏe Johns Hopkins - cho biết "dự kiến" sẽ xuất hiện thêm các biến thể mới của chủng Delta. Ông Adalja lưu ý rằng "mọi thứ xảy ra hiện nay sẽ đến từ Delta" do đây là chủng đang chiếm ưu thế ở nhiều nước, đặc biệt tại Mỹ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Adalja cũng cho là "còn quá sớm" để biết liệu AY.4 (hay các dòng phụ của nó) có trở thành biến thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng hay không.

Bà Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - nói Delta "cho đến nay vẫn là biến thể chiếm ưu thế nhất" trên toàn cầu. WHO hiện đang theo dõi 20 trong 45 biến thể của chủng Delta, trong đó có AY.4.2.

Theo The Conversation, vẫn còn sớm để nói liệu đây có phải là khởi đầu của một biến thể chiếm ưu thế tiếp theo Delta hay không. Khả năng lẩn tránh miễn dịch của AY.4.2 chỉ có thể được xác nhận bằng thử nghiệm. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc AY.4.2 cho thấy đây là biến thể cần theo dõi.

Biến thể nguy hiểm hơn Delta đã lan ra 42 nước, Thái Lan phát hiện ca đầu tiênBiến thể nguy hiểm hơn Delta đã lan ra 42 nước, Thái Lan phát hiện ca đầu tiên

TTO - Ngày 26-10, báo Bangkok Post đưa tin Thái Lan đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc biến thể AY.4.2 (biến thể phụ của chủng Delta). Trước đó, người này không có chuyến đi nào ra nước ngoài.

Nguồn bài viết