Bi kịch của các gia đình ở Mỹ do không tiêm vắc xin COVID-19

3 năm trước 530
Bi kịch của các gia đình ở Mỹ do không tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Anh Josh Garza, 43 tuổi, phải thay cả hai lá phổi mới sống sót qua COVID-19. Anh đã không tiêm vắc xin khi có thể - Ảnh: CNN

Tháng trước, anh Mike Lewis Jr. đang nói chuyện qua điện thoại với bác sĩ thì bỗng thình lình nghe tiếng máy móc kêu "bíp bíp" liên hồi ở đầu dây bên kia.

Cha anh Lewis - tên ông cũng là Mike Lewis - đang điều trị COVID-19 trong một bệnh viện ở thành phố St. Petersburg, bang Florida. Hôm đó, bác sĩ gọi thông báo rằng cha anh vừa bị ngừng tim nhưng được cứu kịp thời và đặt máy thở.

Cuộc gọi còn chưa xong, trái tim ông cụ lại ngừng đập. Anh Lewis kể nghe thấy âm thanh của sự hỗn loạn trước khi bác sĩ vội vã cúp máy. "Cơn hoảng loạn ập đến, lúc đó nước mắt chỉ chực tuôn trào" - anh nhớ lại khoảnh khắc hãi hùng.

Nửa tiếng sau, bác sĩ gọi lại thông báo tin sét đánh: Ông Mike Lewis đã qua đời ở tuổi 58, chỉ 4 ngày sau khi xét nghiệm dương tính COVID-19. Điều đáng nói lúc sinh thời ông Lewis có lối sống khá lành mạnh, tập thể hình và uống sinh tố protein mỗi ngày trước khi đến chỗ làm.

Anh Lewis, 37 tuổi, giờ nằm trong số hàng ngàn người Mỹ ôm nỗi đau mất người thân chỉ vì quyết định không tiêm ngừa, giữa lúc vắc xin chất đầy kho và miễn phí cho tất cả. 

Gia đình Lewis vốn lo ngại vắc xin nhưng cái chết của người cha khiến họ bừng tỉnh. "Chúng tôi phải làm điều cần làm để vượt qua giai đoạn này, bởi vì cha tôi đã không còn nữa" - anh Lewis nói về quyết định đưa cả gia đình đi tiêm ngừa ngay lập tức.

Bi kịch của các gia đình ở Mỹ do không tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 2.

Anh Mike Lewis nói cái chết của cha đã thay đổi quan điểm của anh về vắc xin - Ảnh: CNN

Hối tiếc vì đã chần chừ

Ở thị trấn Pasadena, bang Maryland, chồng của bà Michele Preissler - ông Darryl, 63 tuổi - dự tính đi tiêm ngừa COVID-19 nhưng còn lo ngại về phản ứng phụ của vắc xin do ông đang dùng thuốc ức chế miễn dịch trị viêm khớp.

Tháng 4 vừa qua, ông Darryl đi dự một đám cưới rồi ngã bệnh một tuần sau đó. Chỉ trong vài ngày ông phải nhập viện, bắt đầu cuộc chiến giành giật sự sống trong gần một tháng trước khi nhắm mắt xuôi tay vào ngày 22-5.

Bà Michele Preissler mô tả khoảng thời gian đó giống như "chơi trò tàu lượn dưới địa ngục", có những lúc tưởng ông Darryl đã khá hơn, nhưng rồi lại xấu đi tiếp. Lần cuối cùng ông bị đột quỵ không còn cứu vãn, bác sĩ đành phải tháo máy trợ sinh.

Họ chỉ không ngờ rằng lẽ ra ông chỉ sống thêm được 3-5 phút sau khi tháo máy, nhưng ông vẫn thoi thóp suốt gần 24 giờ trong trạng thái bất tỉnh. Trái tim ông cứ lặng lẽ đập.

"Tôi không bao giờ muốn sống lại khoảnh khắc đó. Và tôi không mong ai trải qua điều đó" - bà Michele nói về cuộc chiến với COVID-19 của chồng.

Bà Michele làm việc trong ngành y tế nên đã tiêm ngừa hồi tháng 3, bà hối tiếc vì đã không đặt lịch hẹn cho chồng khi ông quá bận rộn. "Tôi tức điên với bản thân vì đã không làm, nhưng tôi không thay đổi được gì" - bà đau khổ.

Cặp vợ chồng già chuẩn bị kỷ niệm 30 ngày cưới cuối năm nay với kế hoạch sẽ đi đây đó trên chiếc xe của gia đình sau khi nghỉ hưu.

"Bình thường của tôi đã mất rồi. Tôi không còn (cuộc sống) bình thường nữa" - bà Michele vừa lật cuốn sổ tang vừa nói trong nước mắt.

Bi kịch của các gia đình ở Mỹ do không tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 3.

Bà Michele Preissler và người chồng Darryl lúc còn sống - Ảnh: CNN

Lời cảnh báo của một người sống sót

Anh Josh Garza, 43 tuổi, lẽ ra nằm số những người Mỹ đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19. Anh bị tiểu đường và cao huyết áp - những bệnh nền thuộc diện ưu tiên tiêm chủng.

Nhưng anh Garza tin rằng cứ tuân theo các biện pháp phòng ngừa là đủ. Anh gạt qua ý tưởng đi tiêm ngừa ngay lập tức: "Tôi không muốn làm chuột bạch. Tôi phản đối".

Đầu năm nay Garza mắc COVID-19, con virus nhanh chóng tàn phá cơ thể anh. Anh giành giật sự sống suốt 4 tháng trong bệnh viện Houston Methodist Hospital, bang Texas.

Bác sĩ chẩn đoán Garza bị viêm phổi do COVID-19, virus corona gây ra tình trạng viêm nặng khiến tế bào phổi bị tổn thương vĩnh viễn, không có máy thở hay máy oxy cao áp nào giúp được anh.

Trên phim chụp X-quang, phổi của Garza gần như biến mất. Anh chỉ còn cách cái chết vài ngày khi được các bác sĩ ghép hai lá phổi hồi tháng 4 vừa qua.

May mắn vượt qua tử thần, Garza nói giờ đây anh vật lộn với cảm giác tức giận bản thân vì đã không chịu tiêm vắc xin. Ký ức về những tử thi chết do COVID-19 di chuyển ngang qua căn phòng anh nằm cứ không thôi ám ảnh.

"Nếu có thể làm lại từ đầu, tôi sẽ tiêm ngừa. Những gì tôi trải qua là điều hãi hùng nhất trong suốt cuộc đời.

Hãy nghĩ về gia đình bạn. Những gì tôi trải qua cũng là những gì gia đình tôi trải qua. Tôi mong mọi người ít nhất hãy cân nhắc, hãy lắng nghe những gì chúng tôi (bệnh nhân COVID-19) phải trải qua, và hi vọng rằng các bạn không phải trải qua nó" - anh Garza chia sẻ với những ai còn lo ngại vắc xin.

Bi kịch của các gia đình ở Mỹ do không tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 4.

Anh Garza nói vắc xin có thể đã cứu anh khỏi sự chịu đựng cận kề cái chết - Ảnh: CNN

Làm mọi cách để người dân tiêm ngừa

Bất cứ quốc gia nào cũng có một tỉ lệ dân số nhất định không muốn tiêm ngừa. Mỹ hiện có nguồn cung vắc xin dồi dào đủ cho tất cả người lớn và trẻ vị thành niên, nhưng nhu cầu đã giảm mạnh từ giữa tháng 4-2021. 

Từng có lúc nước này tiêm 3,4 triệu liều vắc xin COVID-19/ngày, nhưng nay chỉ còn gần 600.000 liều/ngày, theo số liệu của CDC Mỹ.

Chính quyền các tiểu bang đang dùng mọi biện pháp khuyến khích người dân tiêm chủng, từ xổ số, treo thưởng cho đến nhờ các mục sư, thủ lĩnh cộng đồng tuyên truyền, vận động ở từng địa phương.

Ở bang Florida, mục sư R.B. Holmes Jr. kể nhà thờ của ông đầu tư hẳn một trạm y tế lưu động để mang vắc xin đến từng ngõ ngách. Trong lúc các cha đang giảng đạo, y tá luôn đứng chờ sẵn bên dưới để tiêm cho giáo dân.

"Chúng tôi nói cho giáo dân sự thật, rằng các con chỉ có 2 lựa chọn: Tiêm ngừa hoặc chịu rủi ro với COVID-19. Đây không phải là căn bệnh Dân chủ hay Cộng hoà, đây là con virus" - mục sư Holmes kể lại bài giảng của ông.

"Chỉ cần 5 hay 10 người chịu tiêm sau mỗi buổi lễ đã là thành công lớn. Khi đó chúng tôi có thể nói chúng tôi đã cứu được những sinh mạng. Họ giờ đây có thể thăm viếng ông bà, đi xem đá bóng, xem bóng rổ và trở lại nhà thờ" - ông Holmes nói thêm.

New York, California mở cửa hoàn toànNew York, California mở cửa hoàn toàn

TTO - Các nhà hàng, quán rượu và nhiều địa điểm khác ở California có thể hoạt động trở lại 100% công suất, cả trong không gian kín và ngoài trời. Những người đã tiêm vắc xin đủ liều không còn phải đeo khẩu trang nơi công cộng.

Nguồn bài viết