Bay giữa hồng hoang

1 năm trước 182

Chiều mưa rả rích. Khu biệt thư yên ả. Ly rượu thơm và ba người. 

Ba người đã cùng trôi qua 40 năm. Nói chuyện bây giờ. Không nhắc ngày xưa. Năng lượng giao thoa nóng. Ngô Xuân Bính nói nói nói, sau khi đã đãi hai ông bạn một trận xem tranh rừng rực.

Xem tượng nữa. Xem ảnh, vì gần trăm bức tượng đá đang còn lũ lượt thành hình ở những nơi khác. 
Cái gì nhỉ. Một cái gì trôi trôi trôi, bay bay.

Chú thích ảnh

Chợt nhớ hai chữ Huyền sử thật hay của ai đó. Huyền sử gợi đến Hồng hoang. Không phải con người này, mà cái đầu này lang thang, bay ở giữa. Trời lạnh dần, lại càng thêm ấm. Ngô Xuân Bính nói nói nói.

Có nhiều ý kiến về sự xuất hiện của Ngô Xuân Bính. Khen chê. Thảy đều ngỡ ngàng. Đột ngột, ùng oàng. Kệ. Bính cứ làm. Tôi chưa hiểu lắm. Lần này ra Hà Nội phải đến thăm mới được.

Chú thích ảnh

*
Câu chuyện vật lý, sinh học, huyệt đạo, giao thoa vũ trụ con người... Tôi không thể nhớ. 

Kể lại lần gặp gỡ này, phải nhắc về ngày xưa một chút.

Ngày ấy Bính từ Nghệ An ra nhập học khoa lý luận Mỹ thuật. Anh chàng này hóa ra rất giỏi võ. Thế là lập tức trở thành thầy của mấy thằng sinh viên hội họa, điêu khắc chúng tôi.

Chú thích ảnh

Tuổi trẻ tuyệt vời. Trưa tối say sưa tập luyện. Anh chàng Bính cứ từ từ lộ ra những khả năng bất ngờ. Nấu ăn, bao nấu nguyên bữa tiệc đám cưới của Lê Văn Thìn. Bấm huyệt, bấm một cái ngưng ngay tia máu đang phun trên đỉnh đầu của Nghiêm Xuân Hưng. Và châm cứu rất điệu nghệ.

Hồi ấy Bính nói ít. Đến ở với tôi trong căn phòng 9 mét vuông ở phố Thi Sách. Sáng Bính vận công ù ù. Sau đó khoanh tay trước ngực, bảo tôi “Anh vào đi” “Vào thế nào?” “Thế nào cũng được, vào đi!”. Thế là phải ăn mấy cái đạp. Rồi đi học.

Chú thích ảnh

Nhắc lại vài việc như vậy, ý là anh chàng này tuổi trẻ mà đã thu gom được thật nhiều tri thức. Hồi đó ít nói nên ít người biết. 

Bây giờ sau nhiều năm qua qua lại lại ở nước ngoài, gặp gặp làm làm với nhiều nhà tri thức. Đầu nạp thêm nhiều nhiều, thì sinh ra nói nhiều. Tôi bảo “Bính nói nhiều vấn đề thế này có người sẽ bảo là thằng điên đấy”. Bính cười “Đúng thế, anh ạ”.

*
Lần này xem tranh của Ngô Xuân Bính thấy thích hơn loạt tranh của anh bày triển lãm năm 2018 nhiều. Chất hội họa và chất nghệ sĩ (Ý là chất sáng tác) lộ ra mạnh mẽ.

Chú thích ảnh

Và bay. Tranh cùng với tượng. Bay như bay giữa Hồng hoang. Vì không kịp thở với những huyền hoặc. Bay theo huyền sử. Không có mà thật. Ý tưởng nối nối nhau, như không thể dừng. Để kịp cho nguồn năng lượng tràn ra. Một sức làm việc dữ dội.

Tư duy thì ngang ngang dọc dọc nhiều chiều. Cái đầu này rất khó cảm thông. Tuy vậy, nếu buông định kiến thì nhận ra nhiều điều phải suy ngẫm. Và rất thú vị.

Chú thích ảnh

Rốt cuộc một khối lượng tranh tượng lớn đã hiện ra. Anh dự định sẽ trình làng trong năm nay.

*
Ngô Xuân Bính vẽ sơn nước trên vóc nhựa rồi phủ ecosy lên. Chất liệu hội họa mới. 

Cái mới đã xuất hiện nhiều, ngay ở các chất liệu truyền thống. Nhưng vì còn trẻ quá nên chúng thường hay được khuyên nhủ. Một ngày chúng sẽ có tiếng nói riêng, có tên riêng. Tôi tin như vậy.

Quan trọng là có đẹp không. Tính truyền thống không nằm riêng trong chất liệu  truyền thống. Thực chất nó tỏa ra từ tâm hồn người Việt, thẩm mỹ người Việt. Người Việt đương đại.

Chú thích ảnh

Tượng đá của Ngô Xuân Bính. Khối hình chồng chất. Như là tiếng vọng vang từ đâu đó.
Nói là Huyền sử cũng đúng... 

Và người võ sư vẫn say sưa nói. Và rượu đã ngà ngà. Ngoài kia vẫn đang mưa.

Và bay giữa Hồng hoang. Vẻ như ba ngườì bạn bây giờ cũng bay.

Và Hà Nội... Cảm xúc từ những người bạn. Làm việc làm việc làm việc. Không thể nào quên. 

                                                                                                                        Sài Gòn 11/2022.

Triển lãm "Ego-Người" của họa sĩ Ngô Xuân Bính đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội (mở cửa đến tháng 3/2023).  Triển lãm giới thiệu khối lượng tác phẩm hơn 300 bức tranh sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc cỡ lớn với các chất liệu như đồng, đá, gỗ, kết hợp giữa chất liệu truyền thống và đương đại. Đây là những tác phẩm nghệ thuật dành cho không gian đô thị rộng lớn, góp phần tạo nên một đời sống văn hóa nhiều màu sắc cho những công dân thời hiện đại. 

Họa sĩ Ngô Xuân Bính được biết đến với những công trình đồ sộ về y học và võ thuật, từng được nhận giải thưởng y học quốc tế "Nikolay Pirogov" và Huân chương cao quý vì những đóng góp "Lớn lao và Đặc biệt" cho sự nghiệp Y học quốc tế (2007), được phong hàm Giáo sư y học dân tộc thuộc Hiệp hội y học dân gian Liên bang Nga (2010).

Từ năm 1991, ông đã tổ chức các triển lãm cá nhân tại Trung tâm triển lãm tạo hình Minsk, Trung tâm triển lãm nghệ thuật tạo hình Moscow, được báo Nga – Mỹ bình chọn là Họa sĩ xuất sắc của năm 2005 và đoạt Giải thưởng quốc tế Liên hoan nghệ thuật tổng hợp Artiada (2006).
Nguồn bài viết