Bao giờ rừng biên giới Ia Mơ mới được yên ổn?

5 tháng trước 75
Chú thích ảnhHiện trường một vụ phá rừng trên địa bàn xã Ia Mơ. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Nguyên nhân một phần là do phong tục tập quán du canh du cư lấn chiếm đất rừng làm làm nương rẫy của bà con người địa phương tại chỗ. Cùng đó, nỗi lo càng cấp thiết hơn bao giờ hết khi công trình đại thủy nông Ia Mơr hoàn thành, diện tích cây trồng theo đó cũng tăng lên gần các tuyến kênh chính dẫn nước đi qua, đã đặt áp lực lớn lên các diện tích rừng nằm xen kẽ. Tình trạng di dân tự do và thiếu đất sản xuất cũng góp phần lớn vào việc xâm hại đất rừng.

"Ngay từ khi dự án Thuỷ lợi Ia Mơ khởi công, nhiều người dân đã manh nha ý định chiếm đất để canh tác khi có nguồn nước tưới. Sau đó chủ trương chuyển đổi 4.000 ha rừng Ia Mơ thành vùng tưới không được Quốc hội phê duyệt, nạn phá rừng vẫn tiếp diễn, thậm chí ngày càng nghiêm trọng", ông Nguyễn Trung Văn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơ trăn trở cho biết.

Điểm nóng tập trung dọc hai tuyến kênh chính của thủy lợi Ia Mơ, nơi có nhiều nương rẫy xen kẽ với đất rừng và cũng là “đích ngắm” của lâm tặc, gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xã Ia Mơ đã xảy ra đến 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó có 1 vụ phá rừng, 1 vụ khai thác gỗ trái phép, 3 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 4 vụ tàng trữ lâm sản trái phép làm thiệt hại 1.300 m2 đất rừng, gần 28 m3 gỗ tròn và hơn 75.000 kg củi. Con số này gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng phá rừng đáng lo ngại tại đây.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ nhận định, lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ vừa thiếu, vừa yếu, lại không được đào tạo bài bản trong khi lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh. Lực lượng bảo vệ rừng của xã chủ yếu là người dân địa phương, thiếu kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm nên rất khó khăn trong quản lý.

Trước tình hình cấp bách, huyện Chư Prông đã thành lập thêm 3 tổ chốt liên ngành tham gia bảo vệ rừng, tuy nhiên giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, chưa giải quyết được bài toán gốc rễ về nhu cầu đất sản xuất ngày càng tăng.

Theo nhiều chuyên gia, để bảo vệ diện tích đất rừng ở xã Ia Mơ, chính quyền địa phương cần sớm rà soát, phân định rõ ranh giới đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích rừng còn lại, cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn và cần khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, có chế tài xử lý nghiêm minh hành vi phá rừng. Song song đó, cần tập trung phát triển sinh kế bền vững cho người dân, giúp họ thoát nghèo từ chính những cánh rừng này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho rằng, các cấp ngành cần quan tâm đặc biệt và có những giải pháp xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án hồ thuỷ lợi Ia Mơr. Ngoài ra, cần có quy hoạch nông, lâm nghiệp rõ ràng về diện tích đất sản xuất, đất rừng và chú trọng hỗ trợ người dân phát triển sinh kế thay thế.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp khẳng định, bảo vệ rừng phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kết hợp với tạo sinh kế cho người dân thông qua trồng rừng, chăm sóc rừng thì mới bền vững.

Rõ ràng, để rừng biên giới Ia Mơ được yên ổn sẽ cần các giải pháp tổng thể từ chính quyền các cấp và cộng đồng, trách nhiệm của người dân, nếu không rừng biên giới Ia Mơ vẫn là ‘miếng mồi” ngon cho lâm tặc, thậm chí trở thành điểm nóng về an ninh trật tự.

Nguồn bài viết