Thí sinh Đình Tùng trong phần thi về đích - Ảnh chụp màn hình VTV
Sau làn sóng tranh cãi về độ chính xác đáp án hai câu hỏi lịch sử phần thi Về đích chung kết Đường lên đỉnh Olympia diễn ra sáng 2-10, ban tổ chức chương trình vừa có những giải đáp chính thức bằng văn bản trên fanpage chương trình.
Sau khi làm việc với nhà sử học Lê Văn Lan - thành viên ban cố vấn, ban tổ chức chương trình đã cung cấp thông tin tới quý vị khán giả như sau:
Trong phần thi Về đích của thí sinh Bùi Anh Đức (Trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La), chương trình đã hỏi: Dân gian có những câu: "Chu tri rành rành/ Cái đanh nổ lửa/ Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế/ Cấp kế đi tìm/ Hú tim bắt ập". Ở đây, "Ba vương" là ba vị vua nào?
Đáp án của chương trình: Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, trong sách Kinh Thi Việt Nam (NXB Tri Thức - được thực hiện theo ân bản Kinh Thi Việt Nam của Hàn Thuyên xuất bản cục 1941 - 1945), tác giả Trương Tửu có đoạn viết về những câu này như sau:
"Chu tri rành rành: nghĩa rằng bá cáo cho mọi người đều biết.
Câu thứ hai là: Cái đanh nổ lửa nói về việc quân đội Pháp bắn súng vào cửa Đà Nẵng.
Câu thứ ba là: Con ngựa đứt cương chỉ sự băng hà của vua Tự Đức và sự rối loạn của triều đình lúc bấy giờ.
Hồi đó bọn Tường Thuyết chuyên quyền giết hại nhiều người trung trực. Chúng dám làm trái cả di chúc của Tiên Vương, bỏ Dục Đức vào ngục tối, lập Hiệp Hòa làm vua. Sau chúng lại giết Hiệp Hòa đem Kiến Phúc thay vào. Rồi chúng lại giết Kiến Phúc tôn Hàm Nghi lên ngôi báu.
Ba ông vua kế tiếp nhau liền như thế nên mới có câu: Ba vương tập đế.
Đến triều vua Hàm Nghi thì Thuyết nổi lên bài Pháp bị thất bại phải đem vua đi trốn. Một mặt quân đội Pháp lo dẹp loạn, một mặt tìm kế bắt Hàm Nghi cho yên lòng dân. Vì thế mà có câu: Cấp kế đi tìm".
Nhà sử học Lê Văn Lan xác nhận lại: Việc phế - lập ba vua trên diễn ra trong khoảng một năm chứ không phải trong vòng chưa đầy bốn tháng.
Do đó, đáp án "Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi" là không sai.
Trong phần thi Về đích của thí sinh Bùi Vũ Đình Tùng (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), chương trình đưa ra câu hỏi: Tấm bản đồ địa lý nào của nước ta vẽ khoảng năm 1838, có ghi hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam?
Đáp án của chương trình đưa ra là “Đại Nam nhất thống toàn đồ”. Thí sinh Vũ Bùi Đình Tùng đã trả lời “Đại Nam thống nhất toàn đồ”. Ngay tại cuộc thi, nhà sử học Lê Văn Lan đã có giải thích quyết định cho điểm thí sinh như sau: Trong tổ hợp từ làm tên của bản đồ này, có hai từ “thống nhất”, “nhất thống”.
Ngôn ngữ thế kỷ 19 gọi đó là “nhất thống”, tức là thu hết cả về làm một.
Còn đến thời đại chúng ta, ngôn ngữ ấy thành ra là “thống nhất”. Nguyên văn thì phải nói “Đại Nam nhất thống toàn đồ”. Nhưng tinh thần của “nhất thống” hay “thống nhất” là một và học sinh đã nói được.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết thêm, điều quan trọng ở đây là học sinh đã có sự chủ động tìm hiểu, nắm bắt kiến thức về một tấm bản đồ quan trọng, giúp khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Câu trả lời đó cũng không làm người nghe hiểu lầm sang một tấm bản đồ nào khác; tránh tầm chương trích cú. Vì vậy học sinh hoàn toàn xứng đáng có điểm và phải được điểm với câu trả lời đưa ra.