Ba của Thúy Kiều (bìa phải) vô cùng chiều con gái - Ảnh: NVCC
Ngày của cha (năm nay là 19-6) là dịp để bạn trẻ bày tỏ tâm tư, nhớ lại kỷ niệm vui buồn, lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn với ba của mình.
Nhớ mãi hình ảnh ba chạy theo tạm biệt ở bến xe
Ngọc Ngân (22 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) bồi hồi: "Nhớ nhất là những lúc mình về quê xong lên TP.HCM lại, ba chở ra bến xe. Trên đường đi và cả lúc đứng đợi, ba dặn dò đủ điều. Xe lăn bánh rồi, mình nhìn từ cửa sổ vẫn thấy ba dõi theo. Nhiều lần, ba còn chạy theo tạm biệt rồi mới quay về".
Ngân cho hay ba là người nóng tính, kiệm lời, chỉ thể hiện bằng hành động. "Mình vẫn cảm nhận được tình yêu vô tận của ba", bạn xúc động, "Mình theo đuổi nhiếp ảnh từ nhỏ. Vậy mà mãi đến lúc được hỏi, mình mới nhận ra từ bé đến giờ, chẳng lấy ra được mấy tấm hình chụp với ba. Xấu hổ thật. Ngày của cha và sau này, mình quyết có dũng khí mở lời chụp hình với ba thật nhiều", Ngân tâm tình.
Tương tự, Minh Tâm (22 tuổi, ngụ quận 3) cũng chia sẻ ba anh là người kiệm lời, ít thể hiện tình yêu bằng lời nói.
"Thường thì mình về quê, ba sẽ hỏi uống gì không, ba pha cho", Minh Tâm nói tiếp, "Ba không nói nhiều đâu. Nhưng ba nói thì vui, mắc cười lắm. Ba mình là kiểu người tếu táo, vui tính. Không cần có dịp gì đâu, ngày thường, hễ có gì là ba cứ chọc vui cả nhà", Tâm hào hứng kể về sự hài hước của ba.
Còn Thúy Kiều (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì nhớ mãi hình ảnh ba cầm tay, giúp cô con gái nhỏ gò những nét chữ đầu đời.
Kiều tâm sự: "Hồi nhỏ, mình không được đi học thêm. Ba là người dạy mình viết nét chữ đầu tiên. Ba kiệm lời, không hay tâm sự, rất chiều con gái. Mình học xa nhà từ bé, nên mỗi lần về, ba đều cho thêm tiền vì sợ con sống không thoải mái".
Huệ Mẫn (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nhớ mãi cảm giác được ba cõng trên vai những ngày còn bé. Lúc bé, khi còn ở nhà nội, vì trần nhà thấp nên mỗi lần mưa nước sẽ ngập vào nhà. "Ba sợ mình ướt nên lúc nào cũng cõng mình trên vai rồi lên lầu mới thả xuống", Mẫn nói.
"Giờ lớn rồi, mọi thứ cũng tốt hơn, nhưng không bao giờ được trải qua cảm giác đó nữa", cô kể và cho hay, Ngày của cha năm nay, cô sẽ mua một vài món ăn ba thích rồi cả nhà cùng ăn.
Những câu chuyện ba nói hoài...
"Mỗi lần có men trong người, ba mình nói nhiều lắm. Có mỗi câu chuyện, bài học ba nói đi nói lại mấy chục năm. Lúc bé, mình chẳng hiểu gì. Vậy mà khi lớn lên, va chạm rồi mới thấm thía", Tâm bộc bạch.
"Làm gì cũng phải làm từ cái tâm, đừng vì tiền" là lời ba dặn Tâm từ những ngày bạn còn bé xíu. "Vậy nên ba mới đặt mình tên Tâm", bạn tự hào.
Tâm nhớ mãi bức thư dài 2 đôi giấy - 8 trang chữ đầy những dòng tâm tình, nhắn nhủ của người cha dành cho con trai út, khi con lấy hết dũng khí công khai xu hướng tính dục (thuộc cộng đồng LGBT+).
Tâm cho hay lúc đầu do ba chưa hiểu hết, nên nghĩ bạn bị bệnh. "Trong thư, ba nói gia đình sẽ cùng mình vượt qua căn bệnh này", Tâm nhớ lại. Sau đó, Tâm gửi lại ba một bức thư, giãi bày và giải thích mọi điều.
"Đọc thư của mình xong, ba đã hiểu hết, và không có một lời trách móc. Ba còn dặn phải cố gắng và vững vàng hơn nhiều. Gia đình sẽ luôn ở bên và yêu thương. Xã hội thì khó hơn, phải kiên cường, vững vàng trước sóng gió", Tâm nhớ lại.
Nguyễn Ngọc Phương Oanh (21 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cũng nhớ mãi lần ba ngồi đọc lại bản ghi chép tóm lược cuộc đời của ông nội viết.
Oanh bồi hồi nhớ lại: "Tối hôm đó, ba cứ ngồi trên giường đọc hết dòng ghi chép của ông nội, rồi kể thêm về những kỷ niệm ngày ba còn trẻ cho cả nhà nghe. Đó thực sự là ký ức mình không thể nào quên được".
Các bạn trẻ đều mong rằng ba luôn giữ sức khỏe, sống thật lâu thật dài với con cái. Ngoài ra, bày tỏ hy vọng sau này có cơ hội, dũng khí bày tỏ tình yêu trực tiếp, thân thiết và trò chuyện với ba nhiều hơn.