'ATM oxy’ hỗ trợ nhanh khi cần, gọi số nào?

3 năm trước 276
ATM oxy’ hỗ trợ nhanh khi cần, gọi số nào? - Ảnh 1.

Các bạn đoàn viên trên đường đi giao oxy cho người dân - Ảnh: PHƯƠNG LAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 4-8, anh Hoàng Tuấn Anh hồ hởi cho biết những ngày vừa qua, mô hình ATM oxy do Hội Doanh nhân trẻ phối hợp với Thành đoàn TP.HCM phát triển đã giúp đỡ được rất nhiều người dân.

Xuất phát từ 90 bình oxy loại 8 lít ban đầu và triển khai tại các trạm ở quận đoàn trên địa bàn quận 7, quận 8, quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh... trong 1-2 ngày tới mô hình sẽ mở rộng 11 quận huyện với khoảng 300 bình, tiếp theo là khoảng 900 bình trên quy mô tất cả các quận huyện và TP Thủ Đức.

Cơ chế vận hành theo quy trình sau:

- Hội Doanh nhân trẻ sẽ vận động các nhà hảo tâm để có kinh phí hoạt động.

- Thành đoàn TP.HCM sẽ hỗ trợ khâu tổ chức, đặt các trạm cung cấp oxy ở quận đoàn.

- Các đoàn viên, tình nguyện viên sẽ đưa bình oxy đến cho các F0 và người dân cần sử dụng.

ATM oxy’ hỗ trợ nhanh khi cần, gọi số nào? - Ảnh 3.

Bình oxy được vận chuyển tới các quận đoàn - Ảnh: PHƯƠNG LAN

"Trước tới nay rất hiếm việc mang bình oxy đến nhà cho người dân. Trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm, tôi đã nhận được nhiều cầu cứu về việc thiếu bình oxy. Tôi thấy không thiếu, nhưng khó ở khâu vận chuyển, nhất là trong thời gian TP.HCM đang hạn chế ra đường.

Tôi muốn giúp các F0 và người dân ở nhà vẫn có sự chăm sóc y tế cơ bản khi các bệnh viện, các cơ sở điều trị quá tải nên đã kết nối tạo ra mô hình này", anh Tuấn Anh nói.

Chia sẻ về một câu chuyện đáng nhớ trong lúc thực hiện, Tuấn Anh nhớ lại giai đoạn chuẩn bị anh có nhận được lời cầu cứu từ một phó giám đốc chi nhánh ngân hàng cho biết bảo vệ của ngân hàng nói trên cả nhà đều là F0, đặc biệt cha anh bảo vệ này mắc bệnh mãn tính nặng. Bình oxy trong nhà chỉ còn vài tiếng, nếu không hỗ trợ thì không qua khỏi đêm hôm đó.

Cùng với nhiều câu chuyện đau lòng khác đã khiến Tuấn Anh càng muốn phát triển rộng hơn mô hình này. Thời gian tới Tuấn Anh sẽ kết nối thêm và cố gắng triển khai "ATM oxy" tại các cơ sở thu dung. Việc làm này, theo Tuấn Anh, nhằm san sẻ thêm nguồn lực cho các bệnh viện.

ATM oxy’ hỗ trợ nhanh khi cần, gọi số nào? - Ảnh 4.

Đi trao oxy cho người dân trong đêm - Ảnh: PHƯƠNG LAN

Chỉ nhận bản thân là người kết nối các đơn vị, Tuấn Anh chia sẻ rằng loại hình "ATM oxy", ngoài việc hỗ trợ các bệnh nhân, các F0 tại nhà, trong giai đoạn tới đơn vị tổ chức sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 - 10.000 bình.

Giai đoạn sau nữa, ATM oxy sẽ có thể hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước sau khi TP.HCM giảm dịch.

Về vấn đề an toàn khi sử dụng các bình oxy tại nhà, anh Tuấn Anh cho biết sẽ tham vấn các trung tâm y tế để xem sử dụng bình như thế nào, tổ chức đào tạo quy trình, cách sử dụng cho các tình nguyện viên, đoàn viên hỗ trợ người dân.

Hiện nay cá nhân và đơn vị cần được cung cấp oxy có thể gọi qua đường dây nóng: (+84) 796.555.564.

Lưu ý khi sử dụng bình oxy tại nhà

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người dân tuyệt đối không nên sử dụng bình oxy tại nhà vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe, tạo cơn sốt ảo trên thị trường...

"Sử dụng oxy không đơn giản, còn bao nhiêu vấn đề y khoa. Chẳng hạn một bệnh nhân phải thở oxy thì không phải thở oxy là đủ, mà cần điều trị, theo dõi nhiều vấn đề khác. Việc tự sử dụng bình oxy tại nhà sẽ tạo cảm giác yên tâm giả, dẫn đến tâm lý chủ quan, nhập viện trễ khi bệnh trở nặng" - bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn rất trân trọng tấm lòng những cá nhân, tập thể huy động nguồn oxy hỗ trợ người bệnh mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại nhà. Tuy vậy, sự đóng góp này phải có định hướng và cần tham khảo ý kiến chuyên gia để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí không cần thiết.

Bác sĩ Tuấn gợi ý các cá nhân, tập thể không nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân, thay vào đó cần hỗ trợ các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19.

Đối với người dân, việc ai cũng tự mua - trữ bình oxy tại nhà sẽ tạo cơn sốt có khả năng nguy hiểm. Trữ và sử dụng oxy tại nhà không chỉ tốn kém mà tiềm tàng nguy cơ cháy nổ. Trong khi đó bệnh viện, cơ sở y tế thật sự cần oxy lại bị thiếu do nhiều người gom hàng mà chưa chắc sẽ sử dụng.

Trả lời về ý kiến của bác sĩ Trần Anh Tuấn, anh Lê Hoàng Minh - trưởng ban công nhân lao động Thành đoàn TP.HCM (đơn vị phối hợp thực hiện ATM oxy) - nhấn mạnh khuyến cáo của bác sĩ là đúng.

Theo anh Minh, hiện tại mô hình ATM oxy đang giúp hai đối tượng chính:

- Thứ nhất là những người có bệnh mãn tính cần dùng tới bình oxy, họ đã có hệ thống thở được lắp đặt đáp ứng yêu cầu chuyên môn y khoa. Phía ATM oxy giúp họ đổi bình cũ lấy bình mới trong giai đoạn hạn chế đi lại.

- Thứ 2 là những trường hợp F0 đã được y tế nắm thông tin nhưng chưa đưa đi điều trị được. Những người này sẽ cần thở oxy trong lúc đợi đưa đi điều trị và đội ngũ đoàn viên, tình nguyện viên sẽ làm nhiệm vụ cung cấp bình oxy. Còn việc lắp đặt, cho thở sẽ được đội ngũ y tế thực hiện.

Anh Minh cũng khuyến cáo người dân không nên tự mua bình oxy về dự trữ và sử dụng vì việc này cần có những hướng dẫn y khoa nhất định.

TP.HCM đón nhận 50 máy cung cấp oxy và gần 70 tấn gạo, rau củ nghĩa tìnhTP.HCM đón nhận 50 máy cung cấp oxy và gần 70 tấn gạo, rau củ nghĩa tình

TTO - Ngày 18-7, TP.HCM đã đón nhận 70 tấn gạo, rau củ quả nghĩa tình từ An Giang gửi tặng người dân TP, đồng thời tiếp nhận 50 máy cung cấp oxy do Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam ủng hộ.

Nguồn bài viết