Hành khách đeo khẩu trang trong hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, để ứng phó trước nguy cơ do biến thể Omicron gây ra, ngày 29-11, Liên ủy ban vắc xin và tiêm chủng Vương quốc Anh (JCVI) cho biết khoảng thời gian từ khi tiêm liều thứ hai đến liều tăng cường sẽ được rút xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay.
Đồng thời, giờ đây tất cả người trưởng thành từ 18 - 39 tuổi ở Anh đều có thể tiêm liều tăng cường. Trước đó, Anh chỉ cho phép người từ 40 tuổi trở lên được tiêm tăng cường.
"Việc tiêm liều tăng cường sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ của chúng ta trước biến thể Omicron", ông Wei Shen Lim - làm việc tại JCVI - cho biết.
JCVI nhắc lại rằng những người lớn tuổi và người dễ bị tổn thương do COVID-19 được ưu tiên tiêm liều tăng cường.
Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ tiêm liều thứ hai cho trẻ từ 12 - 15 tuổi trong bối cảnh lo ngại biến thể Omicron.
Giữa tháng 9, Anh đã quyết định tiêm 1 liều vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 - 15 tuổi ở Anh do lo ngại nguy cơ viêm tim ở nhóm tuổi này. Lúc này, JCVI cho biết sẽ xác định về việc có nên tiêm liều thứ hai cho trẻ trong nhóm tuổi này sau khi nghiên cứu thêm dữ liệu trên toàn cầu.
Anh đã phê duyệt 4 loại vắc xin COVID-19 là Moderna, AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, JCVI cho biết vắc xin Moderna và Pfizer sẽ được ưu tiên dùng để tiêm tăng cường.
Cho đến nay, theo Reuters, Anh đã ghi nhận 9 ca mắc biến thể Omicron.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Omicron (lần đầu được xác định tại Nam Phi) vào nhóm biến thể "đáng lo ngại".
Giới khoa học lo ngại Omicron có các đột biến giúp virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền hơn và có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc họp khẩn ngày 29-11, các bộ trưởng y tế nhóm G7 đã ca ngợi Nam Phi vì đã làm tốt trong việc phát hiện biến thể Omicron và cảnh báo với các nước khác.
Nhóm G7 cho biết họ sẽ làm việc cùng nhau để giám sát chặt biến thể mới này. Đồng thời, G7 sẽ thực hiện các cam kết tài trợ vắc xin cho thế giới.