Các quân nhân Ukraine nhận tên lửa chống tăng cơ động FGM-148 Javelins do Mỹ cung cấp cho Ukraine tại sân bay Boryspil của Kiev ngày 11-2 - Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn Đài Sky News ngày 12-2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey cho biết: "Công dân Anh nên rời Ukraine ngay lập tức, bằng mọi cách có thể và không nên mong đợi là sẽ có bất kỳ khả năng nào về một cuộc di tản quân sự như đã thấy trong mùa hè qua ở Afghanistan".
Ngày 11-2, Anh khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine. Ngoài Anh, Mỹ, New Zealand, Estonia… cũng đưa ra khuyến cáo này do phương Tây lo ngại Nga có thể đưa quân vào biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất ngày 11-2, cũng như đã nhiều lần khẳng định trước đó, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukraine, dù khẳng định nước này có thể có hành động "quân sự kỹ thuật" trong trường hợp những yêu cầu của Nga không được đáp ứng.
Nga đang chờ đợi sự đảm bảo bằng văn bản từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng tổ chức này rút sự hiện diện ở Đông Âu, cũng như không kết nạp Ukraine làm thành viên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Matxcơva muốn có câu trả lời của riêng từng nước với yêu cầu của Nga, không phải câu trả lời "tập thể" giống như "trách nhiệm chung". Nga cho rằng câu trả lời tập thể là "biểu hiện của sự không tôn trọng và bất lịch sự".
Nga đưa ra tuyên bố trên, sau khi Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan phát biểu ngày 11-2 tại Washington cảnh báo rằng Nga có thể mở cuộc tấn công bất cứ lúc nào tại Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ điện đàm vào ngày 12-2.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Washington cho biết đã chuẩn bị cho cả phương án ngoại giao lẫn phương án "gây hấn" trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.