Anh lính người Mông thông thạo nhiều thứ tiếng

3 năm trước 343
Anh lính người Mông thông thạo nhiều thứ tiếng - Ảnh 1.

Thiếu tá Mua Mí Cáy thông thạo nhiều thứ tiếng để gần dân, khiến dân tin yêu làm "cột mốc sống" cùng bộ đội bảo vệ chủ quyền biên cương - Ảnh: NAM TRẦN

Nói đi đôi với làm, gắn với việc làm cụ thể, phải là người đi trước làm trước, có như vậy cán bộ, chiến sĩ mới thực hiện theo.

Thiếu tá MUA MÍ CÁY

Anh đã dành thời gian tự học tiếng để "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng) với bà con dân bản. Khi người dân tin tưởng "cán bộ", họ sẽ là những cột mốc sống để cùng bộ đội bám trụ trên biên cương, bảo vệ chủ quyền biên giới.

Biết nhiều thứ tiếng để gần dân hơn

Dù nhà ở thị trấn Mèo Vạc nhưng đã lâu anh Cáy không về thăm nhà vì bận bịu công việc và "cao điểm" chống dịch COVID-19. Là người nguyên tắc công tư rõ ràng, khi phóng viên liên tục giục anh nán lại thăm nhà thì anh mới tạt qua một chút. Chỗ ngồi chưa ấm, chén trà nóng chưa kịp uống, anh đã đứng lên ôm vợ và hai con, dặn dò giữ sức khỏe rồi đi ngay.

Trên chuyến xe vào lại đơn vị, anh Cáy cho biết do dịch dã, những người lính biên phòng chốt chặn nơi biên ải chẳng được về thăm nhà. Còn anh may mắn nhà ở Mèo Vạc, khi anh quá bận không về nhà, vợ con có thể lên đồn thăm là may mắn lớn.

Sinh ra ở Hà Giang, là người dân Mông, ngay từ nhỏ anh Cáy đã được tuyển chọn đi học ở trường thiếu sinh quân. Ngày ấy được "các chú biên phòng đến tận nhà đón đi học", hình ảnh người lính quân hàm xanh in sâu vào trong tâm trí của anh.

"Ngày đi học, bố động viên cố gắng học, trước là giúp ích cho bản thân, sau này học thành người trở về đóng góp cho quê hương. Mới bé tí đã đi học xa, nhớ nhà lắm nhưng nhớ lời bố dặn, được các chú bộ đội động viên, quan tâm nên mình quyết tâm học thành người", thiếu tá Cáy nhớ lại.

Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Mông, thiếu tá Cáy còn thạo tiếng phổ thông và nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc khác như Tày, Nùng, Dao, có thể hiểu được tiếng Trung Quốc khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới Việt - Trung. 

Anh bộc bạch từ nhỏ được gặp, học tập với nhiều bạn bè dân tộc, được tiếp xúc nhiều thôi thúc anh học thêm nhiều thứ tiếng để trò chuyện, học hỏi bạn bè xung quanh. Sau này khi trở thành lính biên phòng, biết nhiều thứ tiếng trở thành "vũ khí đắc lực" giúp anh nhân viên đội vận động quần chúng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc.

"Bà con không biết nhiều tiếng phổ thông nên ngại nói, chủ yếu giao lưu, trao đổi bằng tiếng của họ. Đến địa bàn nói được tiếng của đồng bào thì bà con quý lắm. Do đó, đến với đồng bào phải thực hiện 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng. Phải đi cùng đồng bào, cùng nói chuyện với đồng bào mới hiểu được họ", thiếu tá Mua Mí Cáy bộc bạch.

Sáng kiến "tổ đồng đội"

Đơn vị đóng quân trên địa bàn Mèo Vạc, nơi đá nhiều hơn đất, đặc biệt là trên tuyến biên giới đất rất ít. Tuy nhiên, không vì đất ít, bà con bỏ địa bàn du canh du cư đi chỗ khác mà cùng bộ đội bám trụ trên từng mỏm đá.

"Đã có thời điểm bà con phải gùi đất lên từng hốc đá để chêm từng cây ngô, bà con làm nương xếp đá giữ đất, tích cực lao động sản xuất, làm cột mốc sống cùng bộ đội bảo vệ biên cương", thiếu tá Mua Mí Cáy cho biết.

Để làm được điều ấy, anh đã cùng anh em đồn biên phòng Xín Cái thầm lặng góp sức, làm tốt công tác vận động quần chúng. Hơn một năm qua, đồn biên phòng Xín Cái là điểm nóng về lượng người nhập cảnh trái phép qua biên ải. Nhiệm vụ cấp bách, là người chính trị viên, anh Cáy luôn sâu sát để kịp thời nắm bắt tư tưởng của anh em, động viên anh em để cùng vượt qua khó khăn, vất vả. 

Dịch COVID-19 phức tạp, anh em thay nhau tuần tra biên giới, lập tổ chốt chặn cách xa đơn vị. Do đó thiếu tá Cáy lên sáng kiến nắm bắt tâm tư, nguyện vọng anh em qua các kênh khác nhau. 

Chẳng hạn như ở đơn vị thành lập "tổ đồng đội" gồm 3 đồng chí ở cùng một chốt phòng chống dịch COVID-19, bầu một đồng chí làm tổ trưởng. Cứ 2 - 3 ngày, "tổ đồng đội" họp một lần, cùng nhau chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng để đơn vị kịp thời nắm bắt, giải quyết.

"Ở đơn vị, anh em đều xa vợ xa con, xa gia đình. Do đó đoàn kết, thương yêu nhau được đặt lên hàng đầu. Phải đoàn kết, thương yêu nhau thì mới hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ biên giới", thiếu tá Cáy chia sẻ.

Tốt nghiệp Học viện biên phòng (Hà Nội) năm 2008 anh lính biên phòng Mua Mí Cáy được phân công về công tác tại đồn biên phòng Xín Mần (Hà Giang) với nhiệm vụ là nhân viên đội vận động quần chúng. Sau một năm, anh được điều về Ban vận động quần chúng (Phòng chính trị - trợ lý biên phòng tỉnh Hà Giang). Chính sự nhiệt huyết, không ngừng học hỏi và cống hiến, năm 2011 anh trở về đồn Xín Cái nhận nhiệm vụ đội trưởng Đội vận động quần chúng và gắn bó từ đó đến nay.

Suốt 10 năm, từ nhân viên đội vận động quần chúng, anh được tín nhiệm giữ chức vụ chính trị viên phó và nay là chính trị viên của đồn, anh đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng...

Chàng trai người Mông quyết tâm Chàng trai người Mông quyết tâm 'bắt cái tương lai' blouse trắng

TTO - Mỗi sáng sớm đi lâm sàng ở bệnh viện, chiều vào giảng đường, có hôm trực viện xuyên đêm, Giàng A Chính - chàng trai người Mông năm nào sợ phải bỏ học, nay tự tin bước đi trên con đường đã chọn.

Nguồn bài viết