Người sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, xuất hiện trên ban công của Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, vào ngày 19-5-2017 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, một tòa án ở London đã ra lệnh dẫn độ chính thức vào tháng 4 năm nay, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm.
Quyết định đưa ra ngày 17-6 có thể sẽ dẫn tới thêm nhiều tháng tranh cãi pháp lý. Bởi vì ông Assange có quyền kháng cáo quyết định mới nhất trong vòng 14 ngày.
Trong cuộc họp báo ngày 17-6, bà Jennifer Robinson, luật sư của ông Assange, cho biết phía ông Assange sẽ kháng cáo. "Đây không phải là phía cuối của con đường. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi cơ chế kháng cáo có sẵn để ngăn chặn việc dẫn độ" - bà Robinson nói.
Bà Jennifer Robinson - luật sư của ông Assange và bà Stella Moris - vợ của ông Assange - đến với buổi họp báo tổ chức cạnh trụ sở Bộ Nội vụ Anh ở London ngày 17-6 - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố cùng ngày, WikiLeaks nói rằng ông Assange "không phạm tội và không phải là tội phạm". "Đây là ngày đen tối đối với tự do báo chí và nền dân chủ của Anh. Bất cứ ai quan tâm đến tự do ngôn luận đều phải hết sức xấu hổ" - WikiLeaks nói thêm.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh rằng các tòa án Vương quốc Anh không nhận thấy rằng việc dẫn độ ông Assange sẽ đi ngược lại các quyền con người của ông.
"Các tòa án Vương quốc Anh không nhận thấy rằng việc dẫn độ ông Assange là áp bức, bất công hay lạm dụng quy trình. Họ cũng không nhận thấy rằng việc dẫn độ sẽ không phù hợp với các quyền con người của ông ấy, bao gồm quyền được xét xử công bằng và quyền tự do ngôn luận. Và trong thời gian ở Mỹ, ông ấy sẽ được đối xử thích hợp, gồm cả liên quan đến sức khỏe của ông" - Bộ Nội vụ Anh giải thích.
Ông Assange bị truy nã ở Mỹ với 18 tội danh, sau khi WikiLeaks công bố hàng ngàn tập tin mật và điện tín ngoại giao vào năm 2010. Nếu bị kết tội, ông Assange phải đối mặt với án tù lên tới 175 năm.