Android 13 chính thức khởi động giai đoạn thử nghiệm dành cho nhà phát triển (developer preview) với bản thử nghiệm đầu tiên được phát hành trong ngày 10.2. Trong bản thử nghiệm này, Android 13 được Google cung cấp sự hỗ trợ tối ưu hơn, đồng thời bổ sung một số nâng cấp về quyền riêng tư, giao diện Material You…
Android 13 là một chiếc bánh Tiramisu
Từ bản Android 9 Pie trở về trước, các phiên bản cập nhật lớn của Android luôn có một tên gọi “thân mật” đi kèm, được đặt theo những món tráng miệng bắt đầu bằng chữ cái (theo thứ tự) trong bảng alphabet.
Trên thực tế, Google đã bỏ cách gọi tên chính thức như vậy kể từ phiên bản Android 10, thế nhưng họ vẫn tiếp tục ngầm đặt tên theo cách này. Ví dụ: Android 10 là Queen Cake (Q), Android 11 là Red Velvet Cake (R) và Android 12 là Snow Cone (S).
Đến lượt Android 13 là chữ “T”, bản cập nhật lớn năm nay được đặt tên là Tiramisu - một loại bánh ngọt đến từ Ý, gồm bánh quy Savoiardi, xen lẫn vị đắng của cà phê, thêm đôi chút bột cacao và vị ngọt ngào từ hỗn hợp trứng, đường cùng phô mai mascarpone đánh bông.
Android 13 sẽ có tên gọi là Tiramisu ANDROID CENTRAL |
Dù tên gọi bằng món tráng miệng chỉ được sử dụng như một mã nội bộ, đây là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm từ cộng đồng người dùng đam mê công nghệ nói chung, hệ điều hành Android nói riêng.
Lộ trình phát triển Android 13
Trong bài giới thiệu về Android 13, Google cũng tiết lộ về lộ trình phát triển của bản cập nhật lớn năm nay.
Lộ trình phát triển Android 13 dự kiến của Google CHỤP MÀN HÌNH |
Cụ thể, Android 13 được chia ra làm 3 giai đoạn chính:
· Thử nghiệm dành cho nhà phát triển (developer previews): từ tháng 2 đến giữa tháng 3.2022;
· Thử nghiệm công khai (beta releases): từ giữa tháng 3 đến hết hết tháng 7.2022;
· Phát hành chính thức (final release): trong quý 3/2022.
Trong đó, giai đoạn từ đầu tháng 6 đến khi phát hành chính thức được Google đánh dấu là thời điểm ổn định nền tảng (platform stability), đồng nghĩa rằng những bản cập nhật từ đầu tháng 6.2022 cho đến bản phát hành chính thức sẽ là những bản cập nhật nhằm cải thiện hiệu suất, thay vì phát hành thêm tính năng mới.