An toàn thực phẩm: Khó vẫn phải làm

2 năm trước 160
 Khó vẫn phải làm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra chợ đầu mối Bình Điền rạng sáng 17-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là những vấn đề trọng tâm mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh khi dẫn đoàn đi khảo sát thực tế chuỗi giá trị nông sản tại TP.HCM từ 3h sáng 17-10. Theo ông Hoan, ở thị trường nội địa, việc quản lý rất khó nhưng đến lúc phải chấn chỉnh.

"Càng nhiều đầu mối, càng khó quản lý"

Điểm khảo sát đầu tiên là chợ đầu mối Bình Điền, quận 8. Ông Phan Thành Tân, giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết chợ có lượng thủy hải sản chiếm 70%, mỗi đêm có 2.500 - 3.000 tấn. Còn 30% là gia súc, rau củ, trái cây.

Sau khi đi các nhà lồng khảo sát thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng hiện có quá nhiều đầu mối, chủ thể tác động vào chợ. "Chúng ta hay nói sạch từ ao nuôi tới bàn ăn, sạch từ trang trại đến bàn ăn, quên là vô chợ này rồi lan tỏa?", ông Hoan hỏi và cho rằng thời gian qua, chúng ta chủ yếu tập trung kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch cho nông sản. 

Bởi đơn giản là nếu không làm thì nước nhập khẩu không chấp nhận. Nhưng nếu không làm tốt về an toàn thực phẩm tại thị trường nội địa thì xuất khẩu chập chờn và rất khó phát triển thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân cũng như khách quốc tế tại VN không hề kém quan trọng.

Với con số 1.800 thương nhân tại 25ha ở chợ đầu mối Bình Điền, bộ trưởng cho rằng quá nhiều và khó quản lý. Ông dẫn ra thực tế đối chiếu: "Ví dụ chợ đầu mối Rungis (Paris, Pháp) diện tích hơn 200ha nhưng chỉ có khoảng 200 thương nhân. 

"Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền có thể giảm bớt đầu mối bằng việc thành lập các nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 thương nhân, việc quản lý sẽ dễ hơn", ông Hoan đề nghị.

Tổ chức "chuỗi kiểm soát lẫn nhau"

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chợ không nên dừng lại ở điểm hội tụ người mua bán mà phải kết nối vùng nguyên liệu với địa phương.

"Ví dụ thương nhân vừa nói với tôi, cá điêu hồng chỉ có ở Đồng Tháp, Đồng Nai. Ta chuyển thông tin mỗi ngày về vùng nuôi, cùng thương nhân để kiểm tra kiểm soát. Việc này sẽ giúp chúng ta nắm được rõ nguồn", ông Hoan gợi ý, bởi "nếu chúng ta lúng túng thì thương nhân cũng lúng túng. Thương nhân sẽ không biết kiểm soát thương lái ra sao, thương lái cũng không biết kiểm soát nông dân ra sao". 

Chốt vấn đề trong một ngày đi khảo sát thực tế các chuỗi giá trị nông sản tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng những liên kết cần thông qua chính quyền địa phương, với sự minh bạch. Địa phương phải biết doanh nghiệp liên kết với nông dân như thế nào, cho người ở đó kiểm soát với nông dân, rồi người dân tự kiểm soát với nhau.

Bộ trưởng nhận định nền nông nghiệp ta manh mún nhỏ lẻ, cần có cách tiếp cận khác nhau. "Tổ chức lại nông dân, nếu không sẽ thất bại. Doanh nghiệp không phải chỉ thu mua nữa mà cùng với người nông dân tạo ra hệ sinh thái xung quanh để cùng nhau phát triển", ông Hoan đề nghị.

Muốn xóa lời nguyền nông nghiệp mù mờ, theo ông Hoan, tất cả hệ thống cần kiểm soát bằng chuyển đổi số...

* Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM:

Khó kiểm soát thực phẩm lề đường, vỉa hè...

Trong sáu năm lấy mẫu kiểm tra chung hàng tươi sống (hàng chục nghìn mẫu ở TP.HCM), tỉ lệ đạt tới 96%. Nhưng riêng chợ đầu mối Bình Điền, Ban ATTP TP lấy mẫu, con số rau củ quả không đạt dư lượng bảo vệ thực vật là 10%...

Hiện nay TP.HCM từ khuyến khích chuyển sang bắt buộc với bếp ăn trường học, căng tin, nhà hàng, siêu thị, kênh phân phối hiện đại dùng hàng hóa phải đạt chuẩn VietGAP; chuẩn của ngành nông nghiệp. Thực tế, số thực phẩm đạt VietGAP trên 95%, rau củ quả 15 - 20%, thủy hải sản rất thấp chỉ 5 - 10%, trứng 50 - 60%. Tất nhiên, không phải sản phẩm không đạt VietGAP là không an toàn.

Ta quan tâm là mẫu kiểm nghiệm. Hiện có xét nghiệm nhanh và xét nghiệm làm chính thống (vài ngày mới có kết quả). Việc kiểm nghiệm từng gặp chuyện đau xót, năm 2018 phát hiện 20 tấn thịt heo không dùng được, chủ hàng làm giấy nguồn gốc giả rồi bỏ trốn. Ban phải bỏ tiền ra tiêu hủy, hết cả tiền. Nên bức xúc không phải hàng từ chợ ra, mà hàng lề đường, chợ truyền thống, hàng vỉa hè... Lấy mẫu ngày hôm nay thì hôm sau đi mất. Chúng ta chỉ kiểm tra được nơi cấp phép mà thôi.

Vì sao TP.HCM đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm?Vì sao TP.HCM đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm?

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Nguồn bài viết