An toàn giao thông đường thủy: Nhiều nỗ lực nhưng… chưa đủ

2 năm trước 162
Chú thích ảnhLực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm ca nô ở vùng biển Cửa Đại. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Tiếp đó, ngày 27/2, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) gửi bức điện khẩn, yêu cầu công an các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, rà soát, đánh giá những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách đường thủy.

Nhiều nỗ lực liên ngành…

Trong bức điện khẩn, Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm; chú ý tới điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo, Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.

Thông qua công tác rà soát cần làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn; phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục.

Không phải chỉ sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ngày 26/2 tại Cửa Đại mà hằng năm Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và các ngành có liên quan đều có nhiều biện pháp tăng cường an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Việt Nam có mạng lưới giao thông đường thủy nội địa thuận lợi, liên thông giữa các tỉnh, thành phố và các vùng với trên 42.000km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải. Toàn quốc hiện có hơn 27.000km đường thủy đang được khai thác vận tải với hơn 45 tuyến chính, gồm: hơn 7.100km luồng đường quốc gia và hơn 20.500 luồng địa phương. Trong năm 2021 có thêm gần 800 phương tiện thủy đăng ký mới để tham gia giao thông, nâng tổng số phương tiện được quản lý đăng ký lên hơn 256.500 chiếc, nhiều tuyến vận tải thủy hoạt động rất sôi động.

Vận tải thủy nội địa, trong đó có vận chuyển hành khách, đóng vai trò đắc lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trong những năm gần đây, vận tải đường thủ đóng góp hơn 25% khối lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước.

Tại hội nghị "An toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2022", ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết: Trong năm 2021, hàng nghìn cảng, bến thủy, phương tiện được lực lượng quản lý đường thủy tuyên truyền, ký cam kết tuân thủ Luật Giao thông đường thủy nội địa. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cũng vận động, quyên góp được hơn 6.200 phao, dụng cụ nổi cứu sinh để cho người dân tại 14 địa phương, góp phần tuyên truyền nâng nhận thức xã hội về an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt người dân sử dụng phương tiện nhỏ, dân sinh ở những vùng khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Vũ Hải cho biết: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và các hội, doanh nghiệp vận tải thủy đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động đội ngũ thuyền viên chấp hành pháp luật giao thông "Liên Cục Đường thủy - Cảnh sát giao thông - Đăng kiểm và liên ngành ở các địa phương kịp thời giải quyết các khu vực có nguy cơ phát sinh "điểm nóng" mất trật tự an toàn giao thông".

Trong năm 2021, các lực lượng và địa phương tăng cường tuyên truyền, quản lý giúp ngăn ngừa tai nạn giao thông do phương tiện thủy loại nhỏ, gia dụng và góp phần quan trọng trong kết quả kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy.

Theo ông Nguyễn Vũ Hải, những năm gần đây, đối với các hoạt động cảng bến thủy nội địa đã có nhiều sự chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, đặc biệt ý thức và hiểu biết pháp luật của các chủ phương tiện, đội ngũ thuyền viên trực tiếp tham gia hoạt động đón trả hành khách tại cảng được nâng lên rõ rệt. Không có phương tiện nào quá tải được phép rời bến. Sự phối hợp giữa chủ cảng và các lực lượng chuyên ngành tại cảng cũng được nâng cao và hợp lý trong các quy trình phối hợp. Công tác đảm bảo an toàn giao thông tại cảng bến và hoạt động vận tải hành khách luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong các chỉ đạo, phối hợp nghiệp vụ tại cảng.

Trong năm 2021, trên toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 35 người và 1 người bị thương, so với năm trước giảm hơn 23% số vụ (16 vụ), hơn 25% số người chết (12 người) và hơn 85% số người bị thương (6 người). Trong đó phải kể đến 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết 7 người đều do phương tiện thủy gia dụng (không đủ điều kiện an toàn phương tiện, cứu sinh) gây ra.

… Song vẫn còn nhiều bất cập

Giao thông đường thủy nội địa của Việt Nam chịu tác động của điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy triều, lũ lụt, khan cạn… làm cho luồng, tuyến giao thông không thuần nhất, ngay trên cùng một đoạn sông, kênh trong ngày cũng có những thông số luồng, tuyến khác nhau. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chậm được cải thiện; hệ thống luồng, tuyến giao thông chủ yếu vẫn ở dạng tự nhiên, ít được cải tạo, trong khi nhu cầu vận chuyển, phương tiện tham gia giao thông đường thủy tăng nhanh.

Số tuyến đường thủy nội địa được đưa vào quản lý, bảo trì, đáp ứng các yêu cầu về tổ chức giao thông chưa nhiều. Các tuyến đường thủy nội địa chủ yếu đi qua những địa bàn hẻo lánh, các tuyến trọng điểm đều là ranh giới hành chính giữa các địa phương. Hoạt động giao thông đường thủy nội địa hiện nay còn mang tính tự phát, việc sử dụng phương tiện, khai thác vận tải phụ thuộc nhiều vào thói quen, tập quán, kinh nghiệm thực tiễn. Phương tiện đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, làm ảnh hưởng đến việc áp dụng, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu quản lý vận tải.

Những khó khăn, bất cập nói trên dẫn đến những nguy cơ gây mất trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tình trạng mở bến, bãi không phép, cắm đăng đáy, nuôi cá lồng, họp chợ, xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa; khai thác cát, sỏi và sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, gây sạt lở đất, hư hỏng đê, kè, nhà ở, trụ sở, công trình phúc lợi xã hội, hủy hoại môi sinh, ô nhiễm môi trường; phương tiện không đăng kiểm, đăng ký, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn còn phổ biến.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa của các ngành chức năng, chính quyền các cấp có lúc, có nơi còn bị buông lỏng. Việc quản lý chưa được triển khai quyết liệt, đặc biệt một số địa phương chưa có sự tổ chức, chỉ đạo thường xuyên đối với các sở, ban, ngành trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, chống lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo trì kết cấu hạ tầng, quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính dù đã được các lực lượng chức năng (Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông, cảng vụ đường thủy nội địa…) quan tâm, tăng cường thường xuyên nhưng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Do không tổ chức được nơi tạm giữ phương tiện, hạ tải hàng hóa nên đến nay các chế tài nghiêm khắc như tạm giữ phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động cảng, bến vẫn chỉ là chế tài “treo”. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong bảo đảm an toàn giao thông đường thủy có lúc thiếu chủ động.

Giải pháp

Chú thích ảnhTiếp tục tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích trong vụ chìm ca nô du lịch tại vùng biển Cửa Đại. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trước hết, cần xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông, trong đó Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nội dung quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cần khẩn trương quy hoạch, tổ chức quản lý mạng lưới vận tải thủy, phương tiện ở tuyến Trung ương quản lý và ở địa phương. Các địa phương chưa có quy hoạch tổng thể phát triển giao thông thì cần sớm xây dựng quy hoạch, trong đó có giao thông đường thủy nội địa. Trên cơ sở đó, tổ chức quản lý luồng tuyến, xây dựng cảng, bến thủy nội địa, phát triển đội tàu vận tải, có kế hoạch đào tạo người điều khiển phương tiện đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các địa phương nghiên cứu, sớm hướng giải quyết việc quản lý đối với loại phương tiện nhỏ được quy định tại khoản 4, Điều 24 - Luật Giao thông đường thủy nội địa; quan tâm mở rộng quy mô đào tạo, đầu tư phương tiện, trang thiết bị thực hành và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành đường thủy nội địa; nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên, người điều khiển phương tiện; điều chỉnh, sửa đổi quy chế thi cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn và chương trình đào tạo thuyền viên, người điều khiển phương tiện cho phù hợp, chặt chẽ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn và đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra là do sự chủ quan của người tham gia giao thông.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó trọng tâm là tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với các đối tượng tham gia giao thông.

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với những tổ chức, cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa. Các lực lượng chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý những vi phạm có tính chất phức tạp để giải quyết có hiệu quả.

Với các vụ tai nạn giao thông đường thủy do yếu tố con người thì nguyên nhân chủ yếu là bởi ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân tham gia giao thông còn kém, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc tránh, vượt, không nhường đường; chở quá tải (vì nhiều phương tiện không đăng ký, không ghi số người được chở, không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn); đi không đúng luồng tuyến; chở quá số người quy định…

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra ngày 25/2/2020, trên sông Vu Gia (chảy qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), chiếc thuyền gia dụng chở theo 10 người gồm bảy người lớn và ba trẻ em (sức chứa tối đa là sáu người) đến giữa sông thì gặp gió chướng nên bị lật, làm chết 6 người. Thuyền không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh.

Việc kiểm tra và xử lý vi phạm phải được thực hiện quyết liệt, triệt để; cần áp dụng các biện pháp mạnh có tính răn đe, giáo dục, đặc biệt đối với những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Trước tình hình phức tạp trong hoạt động khai thác giao thông đường thủy nội địa hiện nay, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm là yếu tố quyết định trong việc thiết lập và duy trì trật tự, an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các địa phương cần quan tâm về tổ chức, biên chế và trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật để các lực lượng chức năng có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Một điều quan trọng nữa là cần có biện pháp cụ thể bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại những vị trí trọng yếu, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến sông, duy trì các chốt điều tiết hướng dẫn giao thông qua các cầu trọng yếu trong mùa mưa lũ và thực hiện điều tiết, hướng dẫn giao thông phục vụ thi công các cầu mới đang xây dựng; tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm, khó đi, như: luồng cong, bãi cạn, đá ngầm, chướng ngại; triển khai thực hiện việc loại bỏ chướng ngại vật trên các tuyến sông.

Nguồn bài viết