Ai cũng một thời là trẻ con

2 năm trước 221
Ai cũng một thời là trẻ con - Ảnh 1.

Trẻ em như những hạt mầm thuần khiết, cần được yêu thương chăm sóc bằng cả tấm lòng và trách nhiệm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tổ ấm, GS Huỳnh Văn Sơn, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng để nuôi dưỡng những mạch yêu thương "lớn hơn" cơn tức giận, người lớn phải thực sự hiểu rõ thế nào là yêu thương, là yêu thương đúng cách và trách nhiệm với con trẻ.

Đòn roi thô bạo và chìa khóa của tình thương

* Thưa ông, vì sao nhiều bậc phụ huynh vẫn cần vin đến đòn roi thô bạo để dạy con?

- Theo tôi, mấu chốt vấn đề của những sự vụ đau lòng chúng ta biết được qua truyền thông về nạn bạo hành con trẻ chính là liệu trẻ đã được yêu thương thật sự hay chưa? Và vì sao chúng ta... chưa yêu thương con trẻ? 

Điều nữa là nếu đã yêu thương con trẻ thì chúng ta đã làm tròn trách nhiệm chưa trong việc nuôi dưỡng trẻ nên người.

Chúng ta cần đặt giá trị nhân văn vào hành trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Bởi nhân ái hay nhân văn không chỉ dựa vào quan hệ huyết thống, mà còn là mối dây quan hệ giữa người với người.

Chọn đòn roi thô bạo để giáo dục con là biểu hiện của việc chúng ta chưa thương yêu thật sự hoặc chưa có quan niệm đúng về tình yêu thương. Cụ thể, có người nói yêu thương là phải dạy dỗ cho trẻ được chuẩn mực. 

Rồi yêu thương là phải cho roi cho vọt, đặt trẻ vào nề nếp để tốt cho trẻ. Thậm chí có người còn muốn biến trẻ thành hình mẫu "phải là", phải thực hiện những mục đích, ước mơ mà họ không làm được. 

Trong khi đó trẻ con vẫn là trẻ con, trẻ sẽ trưởng thành và đó là hành trình trẻ làm được những điều trẻ có thể. Quá trình đó cần thời gian, cần tình thương và sự động viên của người lớn.

Chính quan điểm trẻ con là 1 thực thể mà người lớn có quyền tác động đã dẫn đến chuyện bạo hành trẻ hoặc ép trẻ làm những điều người lớn muốn. Không cần đến đòn roi, sự bạo hành tinh thần vẫn để lại những vết hằn lớn cho một đứa trẻ. Nhưng đáng tiếc hơn nữa là người lớn lại không nhận ra những cơn bạo hành đó.

* Quan điểm đúng về giáo dục con cần được bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

- Học vấn và văn hóa, giá trị của 1 người - không phải lúc nào cũng gặp nhau. Chúng ta có thể thấy một người học thức cao nhưng trong quá trình trưởng thành đã bị nhồi những quan niệm giáo dục sai lầm. 

Trong khi đó, tình yêu thương lại không chỉ đến từ học vấn, một người mẹ vẫn yêu thương và nuôi dạy con nên người mà không cần bằng cấp. Sự nhận thức sai về giáo dục có thể bắt nguồn từ việc không nhận ra được giá trị của tình cảm con người với nhau.

Giữa mùa dịch vừa rồi, tôi có tiếp xúc với một số trẻ mồ côi do cha mẹ qua đời vì COVID-19. Trong một lần gặp trẻ, dù đã chuẩn bị nhưng tôi cũng phải cần một đỗi mới được trẻ mở lời. 

Khi hỏi một em là "sao con không muốn đi học nữa?", em chỉ nói "con không muốn đi học, con chỉ muốn có ba mẹ như ngày xưa thôi". 

Ngay lúc ấy, tôi hiểu mình không thể nói về chuyện đi học. Nên sau một lúc im lặng, tôi đã nói "hoàn cảnh của chú cũng như con, ba mẹ của chú đã mất, nhiều năm nay chú không còn ba mẹ...". Lúc đó, em ấy lại đưa tay ra nắm tay tôi.

Tôi muốn nói điều này chỉ để chia sẻ rằng dù là một nhà tâm lý hay một nhà giáo dục, nếu chúng ta không thể mở lòng, thấu cảm và chia sẻ với trẻ thì mọi điều cũng chỉ trên lý thuyết và trẻ sẽ không mở lòng với chúng ta.

Để cánh đồng bớt đi sâu bệnh

* Trước tin buồn, sốc về một bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành đến chết khi sống cùng cha và mẹ kế vừa qua, chúng ta sẽ phải nhìn lại gì để có những hành động cụ thể, thưa ông? Và người lớn cần thực tập những điều gì mỗi ngày để tự điều chỉnh mình, để chúng ta hoàn toàn tin rằng mình có thể đem đến một mái nhà bình an cho con trẻ?

- Chúng ta hay nói về sự yêu thương và cả sự vô cảm. Nhưng để thực hành những điều có giá trị sống thì việc chỉ biết, nghĩ đến là chưa đủ. 

Chúng ta có thể cùng nhau suy ngẫm thế này: mỗi ngày chúng ta có chăm sóc một cái cây, yêu thương vật nuôi, có lỡ lời làm ai đó buồn lòng, có đốt thời gian bất tận cho cảm xúc riêng tư mà không quan tâm ai đó đang lo lắng cho mình không?... 

Tôi lại quay lại tiền đề đặt ra từ đầu, đó chính là sự song hành của yêu thương và trách nhiệm.

Yêu thương phải chăng cũng chính là sự kiểm soát chính mình và nghĩ về người khác. Nếu chúng ta vun trồng những điều đó một cách tích cực, thường xuyên thì mới có những cánh đồng lúa trĩu hạt.

* Nếu phát hiện một đứa trẻ có nguy cơ bị tổn thương, hoặc khi biết hàng xóm dạy con theo cách có thể... không ổn lắm, nhưng trong lối sống đô thị "đèn nhà ai nấy sáng", chúng ta sẽ phải làm gì?

- Cái xấu luôn ẩn tàng giữa chúng ta, bên cạnh những cái tốt đang nảy lộc. Một cánh đồng lúa hẳn sẽ luôn có mầm sâu bệnh. 

Vậy làm sao loại trừ cỏ dại, sâu bệnh? Tôi nói ví von chỉ để dẫn dụ về câu chuyện thực tế rằng: chúng ta phải có chính kiến, mạnh mẽ đối diện với cái xấu, cái chưa được - ngay cả những cái xấu tiềm tàng trong chính mình.

Sau một năm 2021 đón nhận quá nhiều tin tức nặng nhọc về đại dịch, trong đó có những tin buồn liên quan đến trẻ khi bao đứa trẻ đã mất cha mất mẹ vì dịch bệnh, là một người yêu thương con trẻ và làm giáo dục, tôi thật sự nhói lòng trước những tin tức tiêu cực chúng ta đọc được.

Ai cũng từng một thời là trẻ em. Chính lương tâm, tình yêu thương giữa người với người sẽ tiếp sức mạnh để chúng ta lên tiếng mạnh mẽ hơn trước cái xấu.

Và chính vì ai cũng từng là trẻ con, nên nếu có một tuổi thơ không may mắn thì càng cần tạo ra sự may mắn cho con trẻ thay vì trút điều ngược lại. Làm cha làm mẹ càng phải thấu hiểu điều đó vì chúng ta đã may mắn được - có - con - trong - đời.

* Làm cha làm mẹ có văn hóa là điều tưởng dễ mà lại khó. Ở vai trò làm giáo dục, ông chia sẻ gì về việc xây dựng một con người văn hóa, một gia đình văn hóa và từ đó tiếp tục vun bồi tạo dựng nên những thế hệ có văn hóa cho xã hội?

- Khi chúng ta sống có văn hóa là chúng ta đã trưởng thành một cách đúng nghĩa. Con người phải nhận thức đúng, đủ để gieo hạt mầm văn hóa và hạt mầm đó sẽ trưởng thành theo thời gian.

Quan trọng nữa là chúng ta cũng cần nhận được sự tác động đúng đắn từ môi trường, từ giáo dục. Hạt mầm được gieo, được chăm sóc vun bón trong một môi trường phù hợp hẳn là sẽ phát triển thành thân cây khỏe mạnh.

Nỗi đau con trẻ và sự vô cảm của người lớnNỗi đau con trẻ và sự vô cảm của người lớn

TTO - Giá như cái ác được ngăn chặn kịp thời thì vẫn có một thiên thần bé thơ đang ở bên chúng ta, đêm Noel vẫn có thêm ước mơ hồn nhiên của cô bé 8 tuổi.

Nguồn bài viết