A Pa Chải bên thềm mùa xuân

3 năm trước 552

Điều đáng quý nhất chúng tôi nhận thấy dọc đường đi là những khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá tốt. Người đồng nghiệp nhiều năm ở Tây Bắc chia sẻ: “Đồng bào Hà Nhì ở đây biết làm kinh tế và giữ rừng!”.

Qua những ngày băng tuyết giá rét, trời vẫn còn lạnh nhưng hơi ấm mùa xuân đã cận kề trong lòng đất, lòng người trên một vùng biên cương của tổ quốc

Chú thích ảnhCột mốc số 0 - A Pa Chải, điểm cực tây, ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Được sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng A Pa Chải, chúng tôi lên đỉnh núi Khoan La San, nơi có cột mốc số 0, ngay buổi chiều vừa đến nơi. Từ trạm biên phòng ngược lên núi, đường khó đi. Đoạn bốn cây số cuối cùng rất hẹp, dốc đứng, chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ. Trời mù nhưng không mưa, những chiếc xe máy của các chiến sĩ biên phòng cho chúng tôi mượn còn tốt nên việc đi khá thuận lợi. 576 bậc thang cuối cùng lên cột mốc có chỗ như dựng ngược, nhưng chúng tôi quên hết mệt nhọc khi lên đến điểm cực tây bao mong đợi, “nơi con gà gáy ba nước nghe thấy”.

Cảm giác khi chạm vào cột mốc số 0, nơi tổ quốc khởi đầu rất đặc biệt. Rất may là trời chiều có nắng. Từ đỉnh núi Khoan La San cao 1846 mét, trong tầm mắt cả một dải biên cương hùng vĩ miền tây đất nước.

Thiếu uý Trần Bảo Dương, người Cao Bằng, đi cùng chúng tôi lên cột mốc đã bám trụ ở A Pa Chải ba năm. Anh giới thiệu cho chúng tôi về cột mốc số 0 rất ý nghĩa này. Cột mốc là điểm nga ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc; phía Lào là huyện Nhot U, tỉnh Phong Sa Lỳ; phía Trung Quốc là huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam. Cột mốc được xây dựng vào ngày 27/6/2005; làm bằng đá có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước và quốc huy của mỗi quốc gia. Hình ảnh người sĩ quan trẻ Trần Bảo Dương giữa những cánh lau trong buổi chiều biên cương chan hoà nắng để lại ấn tượng không quên với anh em trong đoàn.

Chú thích ảnhĐồn biên phòng A Pa Chải.

Chúng tôi có một buổi gặp thân tình, ấm cúng với các chiến sĩ biên phòng A Pa Chải. Trò chuyện với đồn trưởng Đặng Văn Tuấn, chính trị viên Lâm Tiến Dũng, cả hai đều chưa đến 40 tuổi, chúng tôi thêm hiểu những khó khăn của anh em trong khi thực hiện nhiệm vụ: Gìn giữ chủ quyền, an ninh quốc gia trên 40 km đường biên ở một địa bàn trọng yếu; làm tốt nhiệm vụ giao lưu, quan hệ quốc tế. Xây dựng chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở thôn bản; vận động, đoàn kết đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ an ninh biên giới...

Ngay trong thời điểm chúng tôi có mặt, các chiến sĩ ở A Pa Chải, cũng như toàn tuyến biên giới, vẫn chia nhỏ thành từng nhóm chốt chặn ngày đêm để bảo vệ đường biên, đặc biệt là ngăn chặn người nhập cảnh trái phép có thể gieo rắc dịch bệnh COVID-19... Nâng chén rượu mừng Xuân với những người lính từ mọi miền quê lên bám trụ ở A Pa Chải, chia sẻ với các anh những tâm tư khi ngày Tết cũng không được đoàn tụ với gia đình, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn những hy sinh to lớn của các chiến sĩ nơi biên cương tổ quốc.

Chú thích ảnhTác giả với đồng chí Pờ Mi Lế, Bí thư Đảng uỷ xã Sín Thầu.

Bí thư Đảng uỷ xã Sín Thầu Pơ Mi Lế là một phụ nữ Hà Nhì trẻ trung, năng động đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, sinh ra và lớn lên tại đây. Mùa xuân này, Pờ Mi Lế mới tròn 39 tuổi. Cô tiếp chúng tôi ngay tại trụ sở Đảng uỷ xã. Không có gì lạ khi Pờ Mi Lế nắm chắc tình hình ở Sín Thầu, nơi cô cùng gia đình, dòng tộc và bà con thôn bản gắn bó cả cuộc đời mình.

Theo bí thư Pờ Mi Lế, Sín Thầu có 7 bản, 352 hộ với 1.497 nhân khẩu, hầu hết là người Hà Nhì. Những năm gần đây, xã có nhiều chuyển biến về mọi mặt. Sín Thầu đã đạt 17/18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đội văn nghệ nghiệp dư của Sín Thầu nổi tiếng với những tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá Hà Nhì, từng tham gia các hội diễn ở tỉnh, về trình diễn ở Thủ đô Hà Nội và giao lưu với nhiều địa phương trong cả nước.

Chúng tôi cùng dự với Bí thư Pơ Mi Lế buổi gặp mặt mừng Xuân mới của cán bộ xã Sín Thầu với đoàn công tác của Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Điện Biên do Phó Chỉ huy trưởng Hoàng Long dẫn đầu. Sự gắn kết quân dân luôn là nguồn cội làm nên sức mạnh cho công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc trên mảnh đất tiền tiêu này.

Chú thích ảnhTrường mầm non Sín Thầu.

Đến thăm trường mầm non Sín Thầu, chúng tôi ghi lại hình ảnh các cháu từ các bản xung quanh theo cha mẹ đến trường. Một không gian rộn rã tiếng cười và niềm vui trẻ thơ. Trường có lớp học khang trang, có sân chơi với các thiết bị phù hợp.

Theo cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Oanh, người đã nhiều năm bám trụ ở Sín Thầu, các cháu học tại trường được nhà nước chu cấp toàn bộ tiền ăn học. Toàn trường hiện có hơn 120 học sinh. Nhiều tổ chức thiện nguyện cũng rất quan tâm giúp đỡ nhà trường.

Chú thích ảnhBản cực tây Tá Miễu.

Tá Miễu ngày nay là bản gần điểm cực tây nhất, được tách ra từ bản A Pa Chải ít năm trước. Mấy chục gia đình người Hà Nhì trong bản nhiều đời sống bên nhau ở đây. Chúng tôi đã đến thăm gia đình bà Lý Lô Sô, năm nay đã 70 tuổi nhưng còn khoẻ mạnh, lanh lợi. Bà sống cùng gia đình hai con trai ở đây. Chồng bà trước là chiến sĩ biên phòng ở Ka Lăng - Mường Tè, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, sau mắc bệnh và qua đời.

Bà Lý Lô Sô cho chúng tôi biết về cuộc sống của các gia đình trong bản. Theo lời bà thì đời sống mỗi ngày một khá hơn, dân bản được nhà nước giúp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, giữ rừng, ổn định về mọi mặt. Bà kể chuyện hôm trước có các phóng viên lên quay phim, bà cùng chị em trong bản múa hát trong trang phục dân tộc Hà Nhì rất đẹp.

Chú thích ảnhCác cháu bé ở bản cực tây Tá Miễu.

Chúng tôi rời bản Tá Miễu trong một buổi sáng lãng đãng sương giăng. Khói bếp bình yên bay lên từ những ngôi nhà sàn đỏ lửa. Một ngày lao động mới bắt đầu. Hình ảnh của ba cháu bé trong bản đang ngồi chơi bên cột cây số không xa đường biên để lại một ấn tượng không quên. Các cháu chính là những chủ nhân tương lai đích thực trên mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng này.

Nguồn bài viết