9X tìm ra vật liệu hấp phụ kháng sinh trong nước thải nhận học bổng tiến sĩ

3 năm trước 370
9X tìm ra vật liệu hấp phụ kháng sinh trong nước thải nhận học bổng tiến sĩ - Ảnh 1.

Ngay sau tốt nghiệp đại học, Nguyễn Ngọc Trung giành được học bổng toàn phần của Tập đoàn Vingroup để theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Monash (Úc) - Ảnh: NVCC

Nguyễn Ngọc Trung, K61 khoa hóa học, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) vào tháng 7-2020. Đề tài nghiên cứu vật liệu hấp phụ chất kháng sinh trong môi trường nước, sau đó ứng dụng xử lý kháng sinh trong nước thải bệnh viện do Trung thực hiện đã được công bố trên tạp chí Journal of Molecular Liquids vào tháng 4-2020. 

Đây là tạp chí khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên - kỹ thuật, được xếp vào nhóm Q1, nhóm của những tạp chí uy tín và có vị trí thứ hạng cao.

Lần đầu trong lịch sử khoa hóa học

"Được đăng bài trên tạp chí Journal of Molecular Liquids là một thử thách, ngay cả thầy cô cũng không dễ dàng gì vượt qua, huống hồ là sinh viên. Thông thường những bài được chọn đăng, tác giả phải mất năm đến sáu tháng sửa chữa, hoàn thiện bài báo. Vậy mà đề tài của Trung từ lúc được tạp chí chọn đến lúc đăng chỉ mất khoảng hai tháng. 

Lần đầu tiên trong lịch sử khoa hóa học có một sinh viên đứng tên đề tài chính có bài đăng trên tạp chí Q1, với khoảng thời gian chờ đăng rất ngắn" - TS Phạm Tiến Đức, giảng viên khoa hóa học, thầy giáo chủ nhiệm của Trung, cho hay.

Trước đó, Nguyễn Ngọc Trung đã có hai bài báo viết chung với nhóm nghiên cứu do thầy Đức dẫn dắt, đăng trên các tạp chí Q1, Q2. Nghiên cứu vật liệu hấp phụ chất kháng sinh trong nước thải bệnh viện là bài báo khoa học thứ ba của Trung, được đăng trên tạp chí nhóm Q1. Mới đây, nhóm nghiên cứu Trung tham gia có thêm bài nữa đăng trên tạp chí Langmuir, một trong những tạp chí hàng đầu của Hiệp hội Khoa học Mỹ.

TS Phạm Tiến Đức đánh giá rất cao khả năng nghiên cứu độc lập của Trung. Trước khi được đăng bài trên tạp chí Journal of Molecular Liquids, nghiên cứu của Trung đã giành giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, giải ba nghiên cứu cấp bộ. TS Phạm Tiến Đức còn đánh giá cao Trung ở khả năng viết nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh. Năm thứ nhất, Trung vẫn còn rất tự ti với tiếng Anh, nhưng chỉ sau 1-2 năm học thêm anh đã bật hẳn lên.

"Nhiều sinh viên có điểm IELTS cao, có cơ sở nghiên cứu tốt nhưng không phải bạn nào cũng có kỹ năng viết nghiên cứu hàn lâm. Đây là một kỹ năng quan trọng, mà Trung lại làm rất tốt", TS Phạm Tiến Đức chia sẻ.

"Học xong muốn quay về phụng sự đất nước"

Nguyễn Ngọc Trung từng học chuyên hóa Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông), thuộc nhóm thiểu số tiếp tục đeo đuổi đam mê hóa ở bậc đại học, còn phần lớn bạn bè Trung chọn ngành kinh tế, công nghệ thông tin.

Ở THPT, lực học của Trung thuộc nhóm tốp giữa. "Lúc đó tôi khá ham chơi, chỉ thích đá bóng và cũng không có định hướng gì cả. Đến khi vào đại học, tôi gặp thầy Phạm Tiến Đức, một người đam mê nghiên cứu với hướng nghiên cứu môi trường. Vì hâm mộ thầy, tôi xin được vào nhóm nghiên cứu của thầy khi phân chuyên ngành. Tôi đã học hỏi rất nhiều từ thầy", Trung chia sẻ.

9X tìm ra vật liệu hấp phụ kháng sinh trong nước thải nhận học bổng tiến sĩ - Ảnh 2.

Nguyễn Ngọc Trung, K61 khoa hóa học, tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Ảnh: NGỌC DIỆP

"Không hiểu sao vào đại học tôi thay đổi nhận thức, tôi quyết tâm đề ra mục tiêu, kiên trì thực hiện. Năm thứ ba, tôi khá mệt mỏi vì sáng 7h đã có mặt ở phòng thí nghiệm, nhiều hôm 20h tôi mới bắt xe buýt về nhà. Nhưng đến khi làm ra kết quả thí nghiệm với vật liệu nhôm ôxít xử lý được đến 90% kháng sinh trong nước, tôi đã báo cáo ngay với thầy hướng dẫn, cảm giác thật sung sướng", Trung nói.

Tháng 8-2021, theo kế hoạch, Trung sẽ bay sang Úc du học. Chàng trai cao 1,8m này quyết định chọn chuyên ngành về pin và năng lượng tái tạo, khác với chuyên ngành mình đã học đại học. Trung hi vọng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư hệ thống sản xuất amoniac đại trà, đây là nhiên liệu rất có tiềm năng để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - vốn rất có hại cho môi trường.

"Ước mơ của tôi là làm giảng viên, nghiên cứu viên, phục vụ cho nền giáo dục nước nhà, đào tạo thêm nhân lực cho đất nước", Trung chia sẻ rất giản dị về ước mơ của mình.

Hai chị em và những suất học bổng danh giáHai chị em và những suất học bổng danh giá

TTO - Cô chị Quế Anh hiện đang là sinh viên năm 2 và theo học song ngành tài chính và xác suất thống kê tại Trường Kinh doanh NYU Stern. Cô em Trúc Anh theo học ngành quan hệ lao động tại Trường đại học Cornell...

Nguồn bài viết