Nhiều chính sách được các chuyên gia kiến nghị để nhà nước hoàn thiện cơ chế và khung pháp lý đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng - Ảnh: T.HÀ
Đó là những chủ đề chính tại diễn đàn cấp cao "Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", được Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 11-10, với sự chủ trì của ông Trần Tuấn Anh - trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Các chuyên gia tham dự bàn tròn tập trung trao đổi về các xu hướng lớn trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, các mô hình và dịch vụ ngân hàng mới; đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" của ngành ngân hàng.
Các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý cấp cao của nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng thảo luận về các giải pháp công nghệ mới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Trình bày tại diễn đàn, ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng phụ trách Vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước - cho biết nhiều ngân hàng thương mại có hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số. Vấn đề bảo mật, an toàn rất được quan tâm.
Giao dịch điện tử liên ngân hàng tăng vọt
Trong 8 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,24% về số lượng và tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Khẳng định phần lớn các tổ chức tín dụng sẵn sàng chủ động và tiên phong trong chuyển đổi số, để đẩy mạnh lộ trình chuyển đối số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Lê Anh Dũng kiến nghị thời gian tới, Nhà nước cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...
Đồng thời sửa đổi Luật giao dịch điện tử 2005, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng - ông Dũng nêu cụ thể.
Ông Dũng cũng cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý bao gồm Luật các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox) cũng như các quy định tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số.